Việc nghiên cứu, tiếp xúc, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo yêu cầu hội nhập, điều kiện thực tiễn của địa phương đã và đang được các cấp, ngành trong tỉnh triển khai hiệu quả. Đặc biệt từ khi dịch COVID-19 bùng phát, để lại hậu quả nặng nề với nền kinh tế, việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được tỉnh Thái Nguyên thực hiện quyết liệt. Trong đó nổi bật là Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh hiện đang tham gia thi công, cung cấp vật tư, nguyên liệu cho các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn. |
Mục tiêu tổng quát của tỉnh Thái Nguyên khi triển khai Nghị quyết số 58/NQ-CP là hỗ trợ gần 9.000 doanh nghiệp trên địa bàn chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất - kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; lớn mạnh về số lượng và chất lượng, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Điều này thể hiện rõ nhất là các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ tích cực, hưởng lợi từ việc tỉnh Thái Nguyên áp dụng Nghị quyết số 58/NQ-CP trong các lĩnh vực.
Đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp ngắn hạn, tỉnh Thái Nguyên đã khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm "khơi thông" nguồn lực đầu tư cho sản xuất - kinh doanh.
Đơn cử, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh liên tục rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai. Đặc biệt, trong các phiên họp thường kỳ, UBND tỉnh đều chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và yêu cầu các ngành, địa phương rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng, tài chính đối với các dự án trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện để các doanh nghiệp đi vào sản xuất - kinh doanh, tạo ra sản phẩm, doanh thu, lợi nhuận.
Bên cạnh đó, hoạt động thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng trong tỉnh đối với các doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định nhưng không chồng chéo, giảm thiểu số lần thanh, kiểm tra trong năm.
Việc ứng dụng chuyển đổi số và giao dịch hàng hóa trên sàn thương mại điện tử được các sở Công Thương, Nông nghiệp và PTNT, Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND 9 huyện, thành phố thường xuyên tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Từ đó giúp nhiều doanh nghiệp khắc phục dần tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Chính sách hỗ trợ về lao động cũng được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương tập trung thực hiện, hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định việc làm cho người lao động và triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Các chính sách của Trung ương, địa phương ban hành để điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường đã tác động giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, để thích ứng, các doanh nghiệp luôn phải chủ động về nguồn lực tài chính, năng lực quản trị, nhất là chiến lược kinh doanh riêng, phù hợp với từng thời điểm cụ thể.
Riêng về những nhiệm vụ, giải pháp trung và dài hạn, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung nghiên cứu, rà soát để tham mưu với UBND tỉnh có văn bản kiến nghị với Trung ương giải quyết các bất cập do quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, tài nguyên, môi trường, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, cho biết: Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng với các chính sách, sự giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên, trong 8 tháng năm 2023, tổng doanh thu từ 3 dự án của Tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên đã đạt trên 17,6 tỷ USD; giá trị xuất khẩu đạt trên 16,9 tỷ USD; giá trị nhập khẩu đạt trên 8,7 tỷ USD; nộp ngân sách Nhà nước trên 2.800 tỷ đồng. Những tháng cuối năm, các dự án của Samsung tại Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu đạt doanh thu cao nhất có thể, góp phần vào sự tăng trưởng chung của tỉnh...
Cùng với các dự án của Samsung, nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đã và đang đề nghị được cấp có thẩm quyền cấp phép tăng vốn, mở rộng quy mô đầu tư, khả năng sản xuất. |
Để tiếp tục tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp, trong quý IV/2023 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh sẽ tiếp tục có các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù. Cụ thể, Thái Nguyên tập trung vào các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và kinh doanh bền vững...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin