Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh đang chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ xuân thắng lợi. Để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã chủ động trong quản lý, vận hành tích nước tại các hồ chứa và xây dựng kế hoạch tưới, tiêu hợp lý.
Mực nước hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn (TP. Sông Công), hiện đạt 91% dung tích thiết kế, đảm bảo cung cấp nước cho nông dân trong xã sản xuất vụ xuân. |
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong vụ xuân năm nay, tổng lượng mưa các khu vực trong tỉnh khả năng ở mức ít hơn trung bình nhiều năm. Cụ thể: Từ tháng 11/2022 đến tháng 1/2023, lượng mưa phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 30-50%; tháng 2 đến tháng 4/2023, lượng mưa bị thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 10-20%.
Trước thực trạng trên, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, đơn vị được tỉnh giao quản lý, vận hành, khai thác gần 100 công trình hồ đập lớn, đã xây dựng phương án phân phối nước khoa học cho từng hồ chứa.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch Công ty, chia sẻ: Sau mùa mưa bão năm 2022, Công ty đã tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình sau lũ; đồng thời có kế hoạch điều tiết nguồn nước hợp lý nhằm phục vụ sản xuất. Ngoài ra, hằng năm, Công ty cũng đầu tư kinh phí để sửa chữa, bảo dưỡng các công trình đầu mối, kênh mương bị xuống cấp. Bám sát vào mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh, của các địa phương, chúng tôi chỉ đạo trạm khai thác thủy lợi các huyện, thành xây dựng quy trình vận hành hồ chứa phù hợp với điều kiện thực tế.
Ông Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng Phòng Quản lý nước và công trình - Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, cho biết thêm: Căn cứ hướng dẫn cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng vụ xuân, chúng tôi đã xây dựng lịch đóng, mở nước trên hệ thống kênh hồ Núi Cốc. Cụ thể, từ ngày 1/1 đến ngày 25/2, đơn vị tiến hành mở nước trên toàn hệ thống kênh hồ Núi Cốc với lưu lượng trung bình 15m3/s; sau đó, từ ngày 26/2 đến ngày 8/3, Công ty sẽ đóng nước toàn bộ hệ thống và mở lại từ ngày 9/3 đến 28/3 với lưu lượng 13m3/s để phục vụ nhu cầu tưới dưỡng, chăm sóc lúa của bà con. Tại các địa phương như: Phú Bình, TP. Phổ Yên, bà con nông dân đã bắt đầu dẫn nước vào ruộng để gieo mạ, làm đất. Đáp ứng nhu cầu lấy nước của người dân, Công ty phân công cán bộ, nhân viên trực trong cả những ngày Tết, không để xảy ra gián đoạn cấp nước.
Từ ngày 1/1, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã tiến hành mở nước trên toàn hệ thống kênh hồ Núi Cốc với lưu lượng trung bình 15m3/s. |
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 100 hồ, đập lớn. Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, trữ lượng nước tại các hồ đạt trung bình từ 70-90% dung tích thiết kế. Trong đó có một số hồ đã và đang được cán bộ quản lý mở cống, điều tiết nước phục vụ sản xuất, như: Hồ Bó Vàng, Đèo Phượng (Định Hóa); hồ Suối Lạnh, Nước Hai (TP. Phổ Yên); hồ Phượng Hoàng, Gò Miếu, Đoàn Ủy (Đại Từ), hồ Nà Mạt (Phú Lương)…
Để đảm bảo đủ nguồn nước cung cấp cho sản xuất vụ xuân, các địa phương trong tỉnh đã vận động nhân dân ra quân nạo vét hệ thống kênh mương; khuyến cáo bà con chủ động động dẫn nước vào ruộng, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hợp lý.
Ở các địa phương vùng cao có một số diện tích đất canh tác còn gặp khó khăn về nguồn nước tưới, bà con cần bố trí cơ cấu giống sản xuất và khung thời vụ gieo trồng phù hợp với khả năng nguồn nước tại khu vực. Đồng thời huy động máy móc nạo vét bể hút, khơi thông dòng chảy, tái khởi động các trạm bơm tưới, đào ao trữ nước để tận dụng tối đa nguồn nước, từ đó giảm thất thoát, lãng phí, đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất vụ xuân.
Hiện nay, công tác vận hành các công trình thủy lợi được các đơn vị quản lý, khai thác thực hiện theo đúng quy trình được duyệt, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, bảo đảm cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Căn cứ tình hình nguồn nước, các đơn vị lập kế hoạch tưới chi tiết, cân đối, dự báo diện tích bảo đảm nước tưới của từng tuyến kênh. Cùng với đó, các đơn vị chuyên môn cũng thường xuyên kiểm tra, xác định mực nước trong suốt quá trình tưới để có phương án phân phối nước hợp lý và có biện pháp điều chỉnh kịp thời bảo đảm nguồn nước tưới dưỡng, góp phần hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ xuân 2023.
Trong khi đó, bà con nông dân cũng cần tranh thủ dẫn nước vào ruộng sau khi đổ ải để kịp khung thời vụ gieo cấy; bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo kế hoạch, vụ xuân năm nay, toàn tỉnh sẽ gieo cấy 28.080ha lúa, phấn đấu năng suất đạt 55,82 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 156.700 tấn. Tháng 2 là thời điểm bà con nông dân trong tỉnh sẽ đồng loạt xuống đồng gieo cấy vụ xuân để đảm bảo lúa trỗ gặp thời tiết thích hợp, tránh rét muộn khi lúa trỗ. Đồng thời tạo điều kiện cho việc triển khai sản xuất vụ mùa sớm để tạo quỹ đất gieo trồng cây vụ đông.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin