Xây dựng cánh đồng mẫu lớn là một trong những giải pháp quan trọng để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Từ đó tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường. Để thúc đẩy mô hình này, huyện Đồng Hỷ đang thực hiện một số giải pháp nhằm duy trì và mở rộng những cánh đồng mẫu lớn.
Nông dân xóm Chí Son, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) chăm sóc lúa xuân trên cánh đồng mẫu lớn. |
Nam Hòa là xã có diện tích lúa lớn của huyện Đồng Hỷ, với cánh đồng sản xuất tập trung rộng trên 100ha. Năm 2016, đây là xã đầu tiên của huyện Đồng Hỷ thực hiện thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn, với diện tích 60ha tại 3 xóm: Chí Son, Gốc Thị và Bờ Suối. Từ đó đến nay, chính quyền địa phương đã chỉ đạo nhân dân các xóm có diện tích cấy lúa tập trung duy trì sản xuất 1 loại giống lúa trong từng vụ.
Đặc biệt, năm 2022, UBND xã Nam Hoà phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ thực hiện thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 34ha tại xóm Chí Son, trong đó 7ha được cấp chứng nhận VietGAP. Thấy được hiệu quả của việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn, vụ xuân 2023, nhân dân xóm Chí Son tiếp tục đăng ký sản xuất một giống lúa chất lượng cao J02, với diện tích 27ha.
Bà Trần Thị Năm, xóm Chí Son, chia sẻ: Vụ xuân năm nay, tôi cấy 4 sào giống J02. Lúc trước, khi chưa tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn, gia đình trồng lúa manh mún, thường gieo cấy 2 giống lúa khác nhau nên việc chăm sóc khá vất vả, mất nhiều thời gian, năng suất không đồng đều. Từ khi tham gia sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn, chúng tôi cấy cùng một loại giống nên dễ chăm sóc, hạn chế sâu bệnh; việc quản lý, điều tiết nước, làm đất... cũng thuận lợi hơn.
Còn theo ông Hoàng Văn Long, Trưởng xóm Chí Son: Việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn đang từng bước chấm dứt tình trạng sản xuất manh mún, hình thành vùng sản xuất tập trung.
Tương tự, tại Tân Long - một trong những xã miền núi, thuộc diện khó khăn nhất của huyện Đồng Hỷ, việc xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng được chính quyền địa phương quan tâm triển khai. Vụ mùa năm 2022, gần 30 hộ dân xóm Làng Mới đã tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn. Bà con được hỗ trợ giá giống lúa lai BTE1 với mức 30 nghìn đồng/sào, 50% phân bón hữu cơ khoáng Quế Lâm, 50% thuốc bảo vệ thực vật sinh học; hỗ trợ cấp Giấy chứng nhận VietGAP, bao bì, nhãn mác, mã QR, mã vạch...
Kết quả cho thấy, với mức độ đầu tư giống nhau, mô hình bón phân hữu cơ khoáng Quế Lâm cho năng suất 2,42 tạ/sào, cao hơn ruộng ngoài mô hình 0,23 tạ/sào; hiệu quả kinh tế đạt gần 960 nghìn đồng/sào, cao hơn ruộng ngoài mô hình 275 nghìn đồng/sào (tương đương 7,6 triệu đồng/ha/vụ).
Anh Hoàng Văn Chức, cán bộ Khuyến nông xã Tân Long, cho biết: Thông qua mô hình đã giúp bà con nông dân dần thay đổi tư duy, từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung, cấy cùng trà lúa, cùng giống, quản lý dịch hại tổng hợp theo phương pháp IPM. Từ đó, góp phần giảm chi phí và sức lao động, tăng năng suất, thu nhập cho người dân.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm huyện Đồng Hỷ hỗ trợ các địa phương xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn, với tổng diện tích gần 100ha. Trên những cánh đồng mẫu lớn, nông dân Đồng Hỷ được tiếp cận cách sản xuất hiện đại, khoa học; cùng liên kết những thửa ruộng nhỏ lẻ lại với nhau, áp dụng đồng bộ một quy trình sản xuất VietGAP. Qua đó, người dân dần thay đổi tư duy sản xuất, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở địa phương.
Nói thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ, cho rằng: Việc xây dựng các cánh đồng mẫu lớn tại Đồng Hỷ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, thu nhập cho người sản xuất và xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin