Trong tiết trời Xuân ấm áp, những nương chè của bà con trong tỉnh bắt đầu đâm chồi, búp mọc tua tủa, vươn lên xanh ngát. Mặc dù sản lượng không cao so với chính vụ nhưng chè xuân lại là lứa chè ngon nhất và được giá nhất trong năm bởi sau một thời gian được đốn cành, tỉa tán, cây chắt chiu dưỡng chất cho những búp lộc đầu tiên.
Thành viên Hợp tác xã Chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên) thu hái chè xuân. |
Đốn chè từ tháng 11 Âm lịch, đến tháng Giêng, Hợp tác xã (HTX) Chè Thủy Thuật, ở xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên) bắt đầu được thu hoạch lứa chè đầu tiên trong năm.
Chị Nguyễn Thị Thủy, thành viên HTX, chia sẻ: Chè xuân hay còn gọi là chè cấm mặt, là lứa chè có nhiều dưỡng chất nhất bởi sau 2 tháng “ngủ đông” cây mới nhú mầm, nảy lộc. Ngoài ra, trong vụ Xuân, thời tiết không có nắng gắt nên chè thơm ngon, ít vị chát hơn. Mặc dù sản lượng chỉ đạt 1/3 so với chính vụ nhưng chè xuân lại được giá và dễ tiêu thụ. Nếu như chè chính vụ, chúng tôi thu mua của bà con với giá 60 nghìn đồng/kg chè búp tươi thì chè xuân là 80 nghìn đồng/kg.
Dù có nhiều khách hàng đặt nhưng hiện tại sản lượng chè xuân của HTX mới được gần 1 tạ chè búp khô. Trung bình 1 năm, HTX xuất bán ra thị trường 12 tấn chè búp khô với giá bán từ 300 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/kg tùy loại. Hiện nay, HTX có 3 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP là Lộc đinh trà, Nhất tâm trà và Trà tôm nõn.
Rời TP. Thái Nguyên, đến xã Phú Xuyên (Đại Từ), chúng tôi cũng bắt gặp bà con đang nhanh tay thu hái bên những luống chè xanh mơn mởn. Bà Đào Thị Thoi, Giám đốc HTX Chè Tuất Thoi, cho biết: Chè xuân của chúng tôi được bán với giá từ 300-400 nghìn đồng/kg, cao hơn chè chính vụ 100 nghìn đồng/kg. Chè xuân khi pha nước sẽ có màu xanh và hương thơm, vị ngọt, ngậy đặc trưng hơn các mùa khác nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ngoài đóng gói từng loại 100g, 200g, 500g, chúng tôi còn đóng từng gói nhỏ đựng trong hộp xinh xắn để phục vụ bà con thắp hương, làm lễ dịp đầu năm. Dù sản lượng ít hơn so với chính vụ, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo chất lượng, bà con luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, sao sấy theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ với diện tích 15ha. Chúng tôi đã thay đổi tập quán canh tác để bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng cũng như từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm để không chỉ nội tiêu mà còn hướng tới xuất khẩu, từ đó nâng cao thu nhập cho thành viên.
Chế biến chè tại Hợp tác xã Chè Tuất Thoi, xã Phú Xuyên (Đại Từ). |
Để có lứa chè xuân xanh tốt, từ tháng 11, đầu tháng 12 Âm lịch năm trước, người trồng chè bắt đầu đốn cành tạo tán. Đồng thời, bà con tiến hành dọn dẹp cỏ dại, cuốc hố bón phân và phun vôi lên cây để hạn chế mầm bệnh, chờ ngày nảy mầm cho một vụ thu hoạch mới.
Đây là vụ chăm sóc được người trồng chè đặc biệt quan tâm bởi nếu hấp thụ được tốt chất dinh dưỡng thì cây mới phát triển và cho năng suất cao ở những lứa chè tiếp theo.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 22,5 nghìn héc-ta chè, trong đó chè giống mới chiếm 80% diện tích. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, chế biến nên năng suất, chất lượng chè Thái Nguyên không ngừng tăng lên, hiện năng suất chè toàn tỉnh đạt 124,7 tạ búp tươi/ha/năm, sản lượng chè qua chế biến đạt khoảng 50 nghìn tấn.
Thái Nguyên hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên 1 héc-ta chè. Cây chè ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con như: Hỗ trợ công nghệ tưới tiết kiệm; hỗ trợ cơ giới hóa chế biến chè; hỗ trợ chứng nhận VietGAP, sản xuất chè hữu cơ…
Ngoài ra, ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng tổ chức, tạo điều kiện cho các HTX, hộ sản xuất chè tham gia các hội chợ, triển lãm để góp phần quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Chè được xác định là cây trồng thế mạnh, là sản phẩm chủ lực có giá trị thương hiệu lớn của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ diện tích đất sử dụng vào mục đích trồng chè; yêu cầu các địa phương không chuyển mục đích sử dụng đất trồng chè trong khu vực bảo vệ, phát triển vùng trồng chè sang mục đích khác.
Năm 2023, Thái Nguyên có kế hoạch trồng mới và trồng lại 415ha chè, phấn đấu sản lượng chè búp tươi đạt 262.000 tấn, tăng hơn 2 nghìn tấn so với năm 2022. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất chè hữu cơ; khuyến khích bà con tăng cường áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biến; đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh thương hiệu Chè Thái Nguyên trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu các sản phẩm chè chất lượng cao.
Cùng với đó là nâng cao chất lượng các vùng sản xuất chè tập trung theo hướng tăng nhanh diện tích chè an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến; cấp chứng nhận sản xuất chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, GAP khác. Năm nay, Thái Nguyên phấn đấu nâng tổng diện tích chè sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ được cấp chứng nhận trên địa bàn tỉnh đạt 4.500ha trở lên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin