Cuối tháng 2, không khí sản xuất vụ xuân tại các địa phương trong tỉnh diễn ra nhộn nhịp, khẩn trương để kịp tiến độ khung thời vụ. Vụ xuân năm nay, thời tiết ấm kèm theo mưa ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển.
Cán bộ và người dân xã Lương Phú (Phú Bình) trao đổi về việc chăm sóc cây dưa chuột vụ xuân. |
Theo kế hoạch, vụ xuân năm nay, huyện Định Hóa gieo cấy 4.000ha lúa và trồng gần 400ha ngô, 300ha rau, 240ha cây màu các loại. Đến nay, toàn huyện đã gieo cấy đạt gần 70% diện tích.
Theo ông Mông Đình Tinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa: Căn cứ kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của UBND tỉnh, trước khi vào vụ, Phòng đã đã tổ chức 5 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, gieo cấy, chống rét cho mạ và chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm cho trên 160 lượt người tham gia.
Tại huyện Phú Lương, địa phương đã cơ bản hoàn thành gieo cấy diện tích 2.368ha lúa xuân. Vụ xuân năm nay, huyện Phú Lương triển khai hỗ trợ phân bón, bao bì cho mô hình sản xuất lúa nếp Vải tại các xã Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Đổ, Yên Trạch; hỗ trợ chứng nhận VietGAP quy mô 30ha, dự kiến tại các xã: Hợp Thành, Yên Đổ, Yên Trạch. Trước và trong vụ sản xuất, các loại phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật… cũng được các đại lý trên địa bàn cung ứng kịp thời cho bà con nông dân, không có tình trạng thiếu hoặc chậm.
Còn tại huyện Phú Bình, từ trước Tết Nguyên đán, địa phương đã khuyến cáo bà con chủ động che phủ nilon để tránh rét và hạn chế nguồn rầy di trú gây hại cho mạ. Sau Tết, bà con đã tập trung gieo cấy xung quanh tiết lập Xuân (4-2). Đến nay, diện tích lúa gieo cấy toàn huyện đã đạt 98%. Với các loại cây màu như: lạc, ngô, dưa chuột, bí... bà con đã và đang tập trung xuống giống.
Trên địa bàn các huyện, thành khác trong tỉnh, không khí khẩn trương tổ chức sản xuất cũng đang được triển khai bảo đảm kịp khung thời vụ. Tính đến ngày 20-2, toàn tỉnh đã gieo cấy được trên 24.000ha lúa, đạt 85% diện tích; trồng được trên 4.600ha rau và hơn 3.200ha ngô. Để bảo vệ lúa mới cấy, bà con nông dân cũng đã chủ động bắt và diệt ốc bươu vàng, chuột...
Về phía Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, đơn vị đã đi kiểm tra thực tế, đôn đốc tiến độ sản xuất tại 4 địa phương: Định Hóa, Phú Lương, Phú Bình và TP. Sông Công.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tá, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, cho biết: Tiến độ sản xuất tại các địa phương cơ bản đảm bảo theo đúng lịch khung thời vụ. Toàn tỉnh phấn đấu kết thúc gieo cấy trong tháng 2 để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt và trỗ bông vào thời điểm thuận lợi. Sau cấy từ 7 đến 10 ngày, cây lúa đã bén rễ hồi xanh, nếu thời tiết ấm trên 15 độ C, bà con nên bón phân để cây lúa hấp thụ chất dinh dưỡng. Thời điểm này, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con nông dân không được chủ quan, cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phòng, trừ kịp thời các loại sâu bệnh gây hại. Đối với các loại cây rau màu, bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, vụ xuân năm nay, tổng lượng mưa ở các khu vực trong tỉnh có khả năng ít hơn trung bình nhiều năm. Vào tháng 2 và tháng 4, tổng lượng mưa thấp hơn từ 15 đến 20% so với trung bình cùng kỳ nhiều năm; còn trong tháng 3, lượng mưa bị thiếu hụt so với trung bình cùng kỳ nhiều năm khoảng 10-20%. Do vậy, nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước tưới dưỡng cục bộ có khả năng xuất hiện trên một số diện tích sản xuất ở các địa phương vùng cao.
Để khắc phục tình trạng trên, cơ quan chuyên môn hướng dẫn các địa phương vùng cao nên chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phục vụ bơm nước, trữ nước vào ruộng, kênh tiêu, ao, đầm... không để lãng phí nước. Đồng thời, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hợp lý, tránh thất thoát. Ngoài việc tiết kiệm nước tưới, đối với những chân ruộng cao, người dân có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin