Trong những năm gần đây, trên địa bàn TP. Sông Công xuất hiện một số ổ dịch bệnh trên đàn vật nuôi, gây thiệt hại cho các hộ chăn nuôi. Do vậy, công tác phòng bệnh cho đàn vật nuôi luôn được thành phố đặc biệt quan tâm.
Cùng với chú trọng công tác tiêm phòng, người dân cũng áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra. |
Để công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi đạt hiệu quả, cơ quan chuyên môn của TP. Sông Công đang tích cực phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê số vật nuôi trong diện tiêm; triển khai kế hoạch tiêm phòng tới các xã, phường; phổ biến các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến các hộ chăn nuôi...
Theo kế hoạch, từ ngày 10-3 đến 10-4, thành phố tiến hành tiêm phòng đợt 1 cho đàn vật nuôi, với trên 180.000 liều vắc-xin các loại, cụ thể: Tụ huyết trùng trâu, bò 1.500 liều; lở mồm long móng trâu, bò 1.500 liều; dịch tả lợn 10.000 liều; tai xanh 1.000 liều; viêm da nổi cục trâu, bò, lợn 4.000 liều; cúm gia cầm 150.000 liều… Riêng vắc-xin phòng dại chó, thành phố tổ chức ra quân tiêm đồng loạt vào ngày 19-3, với 10.000 liều.
Việc tiêm phòng sẽ được thực hiện cuốn chiếu, dứt điểm đối với từng xã, phường. Thành phố phấn đấu tổng đàn vật nuôi được tiêm phòng trong đợt 1 đạt trên 80% kế hoạch.
TP. Sông Công hiện có khoảng 3.000 con trâu, bò, 20.000 con lợn và trên 1 triệu con gia cầm. Cùng với triển khai hiệu quả công tác tiêm phòng dịch bệnh, cơ quan chức năng của thành phố cũng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin