Cảnh báo tình trạng giả danh bác sĩ gọi điện cho người bệnh để lừa đảo

Minh Tâm (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) 11:12, 09/05/2023

Vừa mới xuất viện chưa đầy một ngày, ông Trương Đăng Định (cư trú tại phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên) đã lập tức quay trở lại Khoa Cơ xương khớp - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Ông Định cho biết: Ông mới nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0352.165.909 của một người tên Lệ, xưng là bác sĩ của Khoa Cơ xương khớp của Bệnh viện, mời ông đến để nhận quà là sữa bồi thường, do việc điều trị tại Khoa mới đây của ông không thành công. Trước thông tin này, ông khá ngạc nhiên vì từ trước tới nay chưa có tình huống này bao giờ và trong suốt gần 10 ngày điều trị tại Khoa, kết quả điều trị của ông rất tốt, đội ngũ y, bác sĩ chăm sóc tận tình, điều trị chu đáo.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trao đổi với ông Trương Đăng Định.
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trao đổi với ông Trương Đăng Định.

Ngay sau khi ông Định phản hồi sự việc, Khoa Cơ xương khớp cùng một số phòng chuyên môn của Bệnh viện đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Định. Bác sĩ CKII Vũ Thị Kim Hải, Trưởng Khoa Cơ xương khớp, khẳng định: Tất cả người bệnh điều trị tại Khoa đều được đội ngũ y, bác sĩ tư vấn, giải thích cặn kẽ về chế độ điều trị, chăm sóc tận tình, chu đáo nên không có tình trạng bác sĩ, điều dưỡng gọi điện cho người bệnh sau khi xuất viện về việc bồi thường do điều trị không thành công.

Qua xác minh ban đầu, số điện thoại 0352.165.909 gọi đến cho ông Định được đăng ký Zalo của người tên Nguyễn Mỹ Lệ. Phải ngồi chờ khá lâu và đã đến giờ hẹn nhưng ông Định vẫn chưa gặp được người đã gọi cho mình. Sau nhiều lần cố gắng gọi lại cho số điện thoại kia, cuối cùng cũng có người nhấc máy. Nhưng lần này là giọng đàn ông, xưng tên là Phan Thanh Tuấn và đang bận cấp cứu người bệnh. Sau hơn 2 phút nói chuyện vòng vo, người xưng tên Tuấn này muốn ông Định cho thông tin địa chỉ nhà riêng, dặn ông cứ về nhà, buổi chiều sẽ cho người mang sữa bồi thường đến nhà cho ông.

Theo tìm hiểu của chúng tôi: Tuấn hay Lệ đều không phải là tên của cán bộ, y, bác sĩ thuộc Khoa Cơ xương khớp, đây cũng không phải là lần đầu tiên Khoa tiếp nhận thông tin như thế này. Gần đây cũng có người điều trị tại Bệnh viện sau khi xuất viện nhận được điện thoại có nội dung giống như của ông Định, sau đó cũng đã bỏ ra số tiền cả triệu đồng để mua sữa.

Qua sự việc của ông Định có thể thấy, các chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, phức tạp. Do đó, cùng với việc chủ động cảnh giác, người bệnh, người dân cần kịp thời thông báo các hành vi có dấu hiệu lừa đảo cho cơ quan chức năng.