“Siêu lừa” Nhật Nam Vũ Thị Thúy bị khởi tố: Cơ hội nào lấy lại tiền cho nhà đầu tư?

Quốc Tuân - Nguyên Ngọc 13:31, 09/09/2023

Bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại bất động sản Nhật Nam (gọi tắt là Công ty Nhật Nam), đã chính thức bị khởi tố, bắt tạm giam. Vậy, quy trình tố tụng tiếp theo đối với “siêu lừa” này như thế nào và cơ hội nào để các nhà đầu tư có thể lấy lại khoản tiền đã đầu tư?

Hơn 10.000 cá nhân đã đầu tư vào Công ty Nhật Nam với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Hơn 10.000 cá nhân đã đầu tư vào Công ty Nhật Nam với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Lừa đảo, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn

Bà Vũ Thị Thúy bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Cơ quan Cảnh sát điều tra bước đầu xác định bà Vũ Thị Thúy có hành vi: “Đưa ra thông tin sai sự thật về Công ty Nhật Nam có nhiều bất động sản, dự án đầu tư, có lợi nhuận cao để huy động vốn của nhiều cá nhân, rồi sử dụng một phần tiền này để trả lãi cho các cá nhân trên, sau đó chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn”.

Cụ thể, Công ty Nhật Nam đã đưa ra những chương trình huy động vốn hấp dẫn để dụ dỗ các nhà đầu tư tham gia, với tên gọi “Chương trình hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo ngày”. Công ty cam kết chi trả lợi nhuận 68%/2 năm, hoặc 20%/2 năm kèm quà tặng bất động sản có giá trị tương đương với số tiền đầu tư. Sau đó, Công ty lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước. Với thủ đoạn trên, bà Vũ Thị Thúy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 10.000 cá nhân, với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.


Chiêu trò mời gọi đầu tư tặng thưởng đặc biệt của Công ty Nhật Nam.
Chiêu trò mời gọi đầu tư có tặng thưởng đặc biệt của Công ty Nhật Nam.

Phân tích về hành vi này, Ths luật Nguyễn Minh Cảnh, Giám đốc Chi nhánh Công ty luật TNHH Một thành viên K và cộng sự tại Thái Nguyên, cho rằng: Bà Vũ Thị Thúy cũng như các đồng phạm của mình đã sử dụng Công ty Nhật Nam như một công cụ, bình phong để thực hiện các hành vi phạm tội của mình.

Hành vi của bà Vũ Thị Thúy đã thỏa mãn cả 2 dấu hiệu của tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Thứ nhất là dùng thủ đoạn gian dối, ở đây là bà Thúy đã đưa ra các thông tin dự án không có thật hoặc là không đúng với thực tế như quảng cáo. Thứ hai là dùng thủ đoạn chiếm đoạt tài sản: Sau khi nhận được tiền đầu tư, bà Thúy dùng một phần nhỏ để trả lại cho chính nhà đầu tư đó hoặc trả lãi cho những người khác, phần còn lại thì bà Thúy chiếm đoạt.

Quy trình tố tụng tiếp theo sẽ như thế nào?

Ths luật Nguyễn Minh Cảnh và Luật sư Nguyễn Đức Năng, Giám đốc Công ty luật TNHH Năng & Partner (TP. Thái Nguyên), đều xác định đây là một vụ án hết sức phức tạp, liên quan đến số lượng người bị hại lớn nên có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, dự báo quá trình điều tra sẽ kéo dài.

Luật sư Nguyễn Đức Năng cho biết: Sau khi ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ tiếp tục điều tra vụ án. Quá trình điều tra vụ án có thể kéo dài từ 4 đến 8 tháng hoặc có thể gia hạn lâu hơn nếu cơ quan điều tra thấy vụ án này phức tạp, cần phải gia hạn thời gian điều tra. Sau khi điều tra xong thì hồ sơ sẽ chuyển sang Viện Kiểm sát để ra cáo trạng và sau đó chuyển sang Tòa án nhân dân để đưa vụ án ra xét xử.

Bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nhật Nam, phát biểu tại một sự kiện kêu gọi đầu tư.
Bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nhật Nam, phát biểu tại một sự kiện kêu gọi đầu tư.

Về tạm giam có 3 giai đoạn gồm tạm giam để điều tra, tạm giam để truy tố và tạm giam để xét xử. Với tội đặc biệt nghiêm trọng, thời hạn tạm giam để điều tra không quá 4 tháng và sau đó có thể gia hạn không quá 4 tháng. Trong trường hợp thời hạn tạm giam lần hai đối với tội đặc biệt nghiêm trọng đã hết và vụ án có nhiều tình tiết rất phức tạp mà không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có thể gia hạn tạm giam lần ba không quá 4 tháng.

Thời gian tạm giam để truy tố có thể kéo dài 3 tháng và được gia hạn theo quy định. Cuối cùng là tạm giam để xét xử, thời gian tùy thuộc vào quy trình tố tụng tại Tòa án nhân dân.

Bà Vũ Thị Thúy có thể đối diện hình phạt tù chung thân

Các luật sư đều nhận định rằng, theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự, người thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt số tiền từ 500 triệu đồng trở lên thì có thể chịu hình phạt từ 12 đến 20 năm tù và cao nhất là mức án chung thân.

 

Thông tin ban đầu từ cơ quan Công an, bà Vũ Thị Thúy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 10.000 cá nhân, với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng nên bà Vũ Thị Thúy có thể sẽ phải đối diện với mức phạt tù chung thân.

Cơ hội nào lấy lại tiền cho nhà đầu tư?

Đến thời điểm này, các chuyên gia luật theo sát thông tin về Công ty Nhật Nam trong những năm qua đều nhận định, các nhà đầu tư khó có cơ hội nhận lại đủ số tiền đã đầu tư. Bởi lẽ, bà Vũ Thị Thúy và các đồng phạm đã sử dụng số tiền huy động được để trả lương nhân viên, duy trì hoạt động của Công ty, đầu tư các dự án và tiêu xài cá nhân. Chưa kể, bà Vũ Thị Thúy có thể đã tẩu tán phần lớn số tiền huy động được.

Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu, Công ty Nhật Nam có một số dự án có thật, do vậy có thể Công ty vẫn đang tồn đọng vốn chưa thanh khoản được. Đây cũng chính là cơ hội để các nhà đầu tư lấy lại được một phần tiền nếu trong quá trình điều tra cơ quan chức năng xác định được tài sản của Công ty, từ đó phong tỏa, kê biên để đảm bảo nghĩa vụ trả lại tiền cho các nhà đầu tư.

Cần sớm xử lý đồng phạm

Các nhà đầu tư và người dân đều cho rằng, một mình bà Vũ Thị Thúy không thể nào lừa đảo được nhiều người với số tiền lớn đến như vậy. Đây là hành vi, hình thức lừa đảo có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ, phân công bàn bạc giữa các thành viên trong nhóm.

Luật sư Nguyễn Đức Năng nhận định đây là một vụ án phức tạp, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Luật sư Nguyễn Đức Năng nhận định đây là một vụ án phức tạp, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

Luật sư Nguyễn Đức Năng nêu quan điểm: Tôi cho rằng các “chân rết” của bà Thúy gồm lãnh đạo các cấp, nhân viên của Công ty Nhật Nam và đại diện văn phòng, chi nhánh ở các tỉnh, thành phố là những người giúp sức tích cực cho bà Thúy thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những người này là đối tượng để cơ quan Công an điều tra trong thời gian tới.

Theo thông tin từ Công an tỉnh Thái Nguyên, hồ sơ vụ việc liên quan đến Công ty Nhật Nam tại Thái Nguyên đã được chuyển cho Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) và Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP. Hà Nội).

Đại diện 62 công dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tố cáo bà Vũ Thị Thúy và Công ty Nhật Nam đến cơ quan Công an cho biết đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội mời xuống làm việc, lấy thông tin. Đồng thời, các nhà đầu tư đã gửi đơn tố cáo, đề nghị làm rõ trách nhiệm của Giám đốc Văn phòng đại diện Công ty Nhật Nam và những người liên quan tại Thái Nguyên đến cơ quan Công an. Trong đó, đặc biệt là làm rõ hành vi tiếp tục tổ chức hội nghị, hội thảo để dụ dỗ, lôi kéo người dân đầu tư vào Công ty Nhật Nam mặc dù nhiều nhà đầu tư ở Thái Nguyên đã có đơn tố cáo gửi đến cơ quan Công an.