Người dân gọi ông là “Vua rừng” Minh Tiến không quá bởi ông thuộc từng gốc cây ở những cánh rừng phía Tây Bắc huyện Đại Từ. Không những thế, ông đã đặt chân lên nhiều dãy núi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc. Ông còn có công lớn trong việc phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị cây chè cổ trên rừng Minh Tiến. Ông là Nguyễn Văn Thụy, xóm Lưu Quang 5, xã Minh Tiến (Đại Từ).
Ông Nguyễn Văn Thụy bên gốc cây chè hàng trăm năm tuổi sâu trong núi Bóng, xã Minh Tiến. |
Đến nơi gà gáy 2 tỉnh đều nghe
Tôi đã từng gặp ông Thụy trong chuyến đi rừng tìm cây chè cổ cách nay gần chục năm. Khi đó, biệt danh “Vua rừng” Minh Tiến mà người dân địa phương gán cho ông khiến tôi chú ý. Người đàn ông này có gì đặc biệt mà được phong là “Vua rừng”?
Thấm thoát thoi đưa, mãi đến thời điểm áp Xuân Quý Mão 2023, tôi mới có dịp trở lại thăm những cây chè cổ trên rừng Minh Tiến. Thật tình cờ, ông Thụy lại là người dẫn đường, giúp chúng tôi vượt núi. Ông Hoàng Văn Tiệm, Chủ tịch UBND xã Minh Tiến, bảo: Đi rừng thì nhiều người đi được, nhưng thông thuộc địa hình, lịch sử và hiểu sâu về cây chè cổ thì chỉ có ông Thụy.
Vậy là một ngày tháng Chạp, khi sương còn giăng mờ lối, ông Thụy đi trước, chúng tôi đi sau, vén cây, bám đá ngược thẳng lên đỉnh cao nhất của núi Bóng. Ký ức lại ùa đến trong tâm trí tôi về người dẫn đường - ông Thụy. Trong chuyến đi rừng cách nay cả chục năm ấy, khi thoáng nhìn thấy một cành cây có thể rơi vào người trong đoàn, ông Thụy đã nhanh như sóc lao đến đỡ, đẩy ra. Phản xạ như một thủ môn cùng tốc độ ngang với một vận động viên điền kinh của người đàn ông ngũ tuần trong rừng rậm khi đó phần nào giúp tôi tự lý giải về biệt danh “Vua rừng” của ông.
Nay, ông Thụy đã gần 60 tuổi (sinh năm 1966), nhưng vẫn rất nhanh nhẹn. Ông bảo: Tôi hầu như ngày nào cũng đi rừng. Thế nên với tôi, đi rừng bớt cuồng chân hơn là đi đường nhựa, ngủ rừng cảm giác thư thái, khỏe khoắn hơn cả… nằm trên chăn ấm đệm êm ở nhà.
Mải câu chuyện, quãng đường như gần lại, sau 4 tiếng ròng rã vượt qua những con dốc dựng đứng, băng qua khu rừng rậm rạp, chúng tôi đã đến bên cây chè cổ khoảng 300 năm tuổi, rồi tiếp tục vượt lên đỉnh núi Bóng, đến điểm cao một tiếng gà gáy 3 huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên) đều nghe. Nơi này chỉ cách khoảng 3km đường rừng so với Di tích lán Nà Lưa - nơi Bác Hồ đã ở, làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945 và Di tích cây đa Tân Trào ở huyện Sơn Dương.
Hai lần trúng cạm
Giữa rậm rạp, âm u của cánh rừng nguyên sinh núi Bóng, ông Thụy tiếp tục kể về cuộc đời mình. Gia đình nhiều đời bốc thuốc Nam chữa bệnh cứu người nên từ năm 13 tuổi, ông Thụy đã được cha dẫn khắp các cánh rừng lấy thuốc và cuộc đời ông gắn chặt với rừng.
Đến năm 20 tuổi, ông Thụy đã thông thuộc khắp các cánh rừng ở dãy núi Hồng, núi Bóng, Tam Đảo… Những năm ấy, cứ hễ trong làng, trong xã có ai đi rừng bị lạc là người dân lại nhờ ông Thụy tìm. Bằng sự tinh thông địa hình cùng giác quan thứ 6 ít người bì kịp, ông Thụy đã tìm được hàng chục người đi lạc.
Nhiều lần, ông tìm thấy người đi lạc bị thương hoặc mệt lả, kịp thời lấy thuốc sơ cứu, đưa về. Tiếng lành đồn xa, đến khoảng năm 1998, khi mới hơn 30 tuổi, ông đã được nhiều người tôn là “Vua rừng” Minh Tiến.
"Vua rừng" Minh Tiến Nguyễn Văn Thụy vượt rừng đi sâu vào vùng lõi núi Bóng. |
Nghề bốc thuốc cứu người, việc đi rừng tìm cây thuốc với ông Thụy như cơm bữa. Thế nên, ngoài thông thuộc những cánh rừng phía Tây Bắc Đại Từ như lòng bàn tay, ông Thụy vượt sang cả rừng ở tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn để đi tìm thuốc. Các dãy núi cao trùng trùng điệp điệp ở huyện Võ Nhai, Định Hóa ông đều đặt chân qua.
Gắn với rừng, ông Thụy cũng là thành viên chủ lực trong các tổ đội bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của xã. Ông góp công vào hàng chục chuyên án bắt lâm tặc của lực lượng Kiểm lâm, tham gia chữa gần 20 đám cháy rừng không chỉ ở Minh Tiến mà còn tại các địa phương lân cận.
Ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đại Từ, nhận xét: Trong các cuộc chữa cháy rừng, với sức khỏe và kinh nghiệm dạn dày, ông Thụy nhiều lần được giao hỗ trợ người dân tham gia. Tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy cùng những hiểu biết và tình yêu rừng như máu thịt của ông Thụy khiến chúng tôi rất khâm phục.
Lán nghỉ tạm của người đi rừng trên lưng chừng núi Bóng. |
Đi rừng nhiều, ông Thụy không ít lần gặp rắn độc, thú dữ hoặc những việc ngoài ý muốn. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là 2 lần bị dẫm chân vào bẫy thú. Một trong 2 lần đó là chuyến đi rừng dài ngày để cắm mốc ranh giới các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc. Những lần đó ông đều là người dẫn đường, sẵn sàng đi trước dò đường, chịu nguy hiểm để mọi người trong đoàn được an toàn.
Trăn trở với cây chè cổ
“Có đến vài chục cây chè khoảng từ 50-300 năm tuổi trên núi Bóng. Cây chè cổ phân bố gần đường mòn và tạo thành một vòng tròn xung quanh khu vực có dấu tích thành nhà Mạc”. “Vua rừng” Minh Tiến Nguyễn Văn Thụy |
Vượt rừng, đến bên gốc cây chè cổ trên đỉnh núi Bóng, ông Thụy ngắm nhìn, ôm lấy thân cây, vui vẻ như bạn cũ lâu ngày gặp lại. Gần 60 tuổi, ngót 40 năm biết và gắn bó với cây chè cổ nên với ông Thụy, cây chè như một người bạn. Bao năm qua, ông âm thầm bảo vệ và trăn trở vì đâu đó vẫn có cây chè 50-60 năm tuổi bị đốn hạ hoặc đánh gốc chuyển đi nơi khác.
Theo ông Nguyễn Văn Thụy, cây chè cổ này khoảng 300 năm tuổi, là một trong những cây chè to, cao nhất trên núi Bóng. |
Đi rừng khiến thời gian trôi nhanh như một cơn gió, chúng tôi hạ sơn lúc mặt trời đã khuất sau dãy núi Hồng. Trở về nhưng trong lòng chúng tôi vẫn nặng trĩu tâm tư của “Vua rừng” Minh Tiến: “Cây chè mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa của Thái Nguyên. Tôi mong có thêm biện pháp bảo vệ những cây chè cổ”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin