Được trao truyền qua nhiều đời, cây khèn, tiếng khèn trở thành vật báu gắn với đời sống vật chất, tinh thần của người dân tộc Mông. Dù bao phen dời đổi chạy theo mùa rẫy, cây khèn vẫn là vật bất ly thân, được đồng bào trân trọng, gìn giữ. Đặc biệt từ năm 2017, Nghệ thuật khèn của người Mông huyện Đồng Hỷ vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Nghệ nhân Sùng Văn Sinh, xóm Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ (bên phải) say sưa trong vũ điệu khèn. |
Người Mông không nhớ cây khèn có từ bao giờ, nhưng nhiều người già lý giải: Cây khèn tượng trưng cho tình đoàn kết trong cộng đồng; sự hiếu thảo của con dành cho cha mẹ, tình thương yêu vợ chồng và tấm lòng tương thân, tương ái của anh em trong một nhà.
Có rất nhiều tích truyện, nhưng tựu chung lại đó là cách giáo dục tình cảm đạo đức sâu sắc của người dân tộc Mông trong gia đình và ứng xử ngoài xã hội. Bởi thế, nhắc đến người Mông là nhắc đến cây khèn - loại nhạc cụ độc đáo chứa đựng thế giới âm thanh kỳ diệu. Nghệ nhân khèn Sùng Văn Sinh, xóm Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ), chia sẻ: Tiếng khèn mang đa cung bậc, từ chuyện vui đến chuyện buồn của người Mông đều gói ghém tiếng khèn.
Một âm hưởng tôn vinh sự sống được lưu truyền từ ngàn đời dong duổi. Chàng trai Mông mạnh mẽ trên lưng ngựa, khéo léo với cây khèn, quay tít cùng điệu múa mà lời khèn chảy tràn khắp triền núi. Nếu cây khèn là niềm tự hào của người dân tộc Mông, thì chàng trai Mông biết làm khèn, thổi khèn và múa khèn được coi là truyền nhân, được mọi người trong cộng đồng nể mến. Bởi, họ là những truyền nhân biết kính hiếu tổ tiên, kiên trì tiếp nhận tinh hoa văn hóa của cha ông trao truyền lại, đồng thời tiếp tục là người truyền loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này cho các thế hệ sau.
Người Mông nếu biết thổi khèn thường biết làm khèn. Nhưng gọt thành cây khèn đòi hỏi người làm có đức tính kiên nhẫn, kể từ khâu tìm nguyên vật liệu chế tác, đến việc khoét lỗ bảo đảm cho các âm thanh phối hòa thành âm sắc như mong muốn.
Có cây khèn trong tay, nghệ nhân phải rèn cách nhấn nhá, nhả hơi cùng điệu vũ phù hợp theo cung bậc. Nghệ nhân khèn Dương Văn Chơ, xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương), tâm đắc: Khèn hay là khi chơi người và khèn nhập làm một, cuồng say để từng động tác múa hóa thân vào giai điệu khèn. Chính vì thế mà lúc chơi không có động tác thừa, thở ra, hít vào cây khèn đều cất lên âm hưởng của núi rừng, chuyển tải thông điệp, thổ lộ tâm tư, tình cảm của người thổi khèn đến bạn bè và vạn vật quanh mình.
Nghệ nhân khèn Dương Văn Chơ, xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương), cùng trẻ em người Mông. |
Bởi gắn bó sâu sắc trong đời sống vật chất tinh thần, nên khèn Mông được ví như hơi thở cuộc sống. Mùa Xuân, khèn cất lời rạo rực vui tươi gọi hội, phiên chợ khèn gọi bạn gần xa, chúc lời may mắn. Làng bản mất người, lời khèn trầm đục, lặng buồn tiễn người về với thế giới người hiền. Hầu như mọi việc, đồng bào người Mông đều sử dụng đến cây khèn. Đặc biệt trong các đám tang, đám giỗ, làm ma tươi, ma khô, theo tín ngưỡng chủ nhà thường mời thầy khèn về giúp, với ý nghĩa dẫn đường cho người khuất núi an toàn trên đường về với thế giới người hiền, và thể hiện sự tôn trọng, kính hiếu của con, cháu dành cho cha mẹ, ông bà đã có công dưỡng dục.
Đám tang, đám giỗ và ngày xuân không thể thiếu tiếng khèn. Bởi tâm niệm tiếng khèn là thứ linh thiêng có thể nối được “mường trời, mường đất”, kết nói âm, dương, nên đồng bào mượn lời khèn để gửi gắm lòng mình đến một thế giới siêu nhiên, gần gũi hơn là bè bạn và mọi người trong cộng đồng xã hội.
Nhưng để nhuần nhuyễn với cây khèn, các nghệ nhân người Mông phải trải qua một quá trình dài kham khổ học luyện. Việc học thổi khèn, múa khèn phần nhiều cần sự cảm hứng, chí thú, say mê, không thể ép đặt. Mỗi ngày một chút, nhất là những đêm trăng, vào hôm có phiên chợ, người học khèn bắt đầu “trình diễn” những bài khèn và vũ đạo giản đơn nhất. Giống cây ngô ngoài nương, bắt đầu phát dọn bãi, làm đất, tra hạt, vun trồng cây lớn mới có ngày bẻ bắp.
Gian khổ là liều thuốc tôi luyện lên những con người có tinh thần vững chãi, đó cũng là mảnh đất màu mỡ nuôi lớn bao tâm hồn nhiệt huyết đã dành nhiều công phu để đeo mang, gìn giữ, nuôi dưỡng cả một niềm đam mê cho nghệ thuật khèn.
Tiếng lòng phiêu qua những mùa ngô, đằm đượm, nồng nàn chất men rừng như để núi cúi đầu dưới đôi chân người Mông ngày hội. Những bài khèn luôn vui nhộn, mời gọi, khiến người nghe quên đi buồn nản, khó nhọc và nắm lấy tay nhau cùng về chợ phiên. Nghệ nhân Sùng Văn Sinh cho biết thêm: Như lời truyền dạy của các cụ thì có 4 loại nhạc là: Sơ nhạc, tiểu nhạc, trung nhạc và đại nhạc. Theo nhạc là ca từ, gồm lời ca gốc; lời ca giao duyên; lời ca đưa, đón đám ma và lời ca tế vật nuôi.
Một em bé người Mông ở Văn Lăng (Đồng Hỷ) với chiếc khèn. |
Với người dân tộc Mông, cây khèn không chỉ là một loại nhạc cụ, mà còn là vật báu biết nói lời núi, lời sông, là tiếng lòng nối với tiếng lòng. Cây khèn còn nói hộ lời yêu thương của người con trai dành cho con gái...
Các bài biểu diễn múa khèn bao giờ cũng có nội dung vui nhộn, mang ý nghĩa chúc tụng và mời bạn bè cùng tụ họp, vui chơi, làm con người nguôi quên hờn giận. Cùng lời khèn là vũ điệu mạnh mẽ, linh hoạt, lúc giống người chiến binh xông pha trận mạc, tiến, lùi, phải, trái, lúc hoan hỷ của người chiến thắng, khi vỗ về, nhẹ nhàng cùng âm hưởng khoan thai… Có nhiều nghệ nhân giỏi khèn, hiểu sâu sắc âm luật, tinh thông vũ đạo có thể vừa nhảy múa theo giai điệu khèn vừa cảm tác mà không bị vấp.
Kể từ sau được tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đồng bào người Mông càng chú tâm hơn tới các hoạt động gìn giữ, trao truyền và phát huy giá trị văn hóa Khèn của dân tộc mình. Đồng bào tích cực quảng bá thông qua các hoạt động du lịch, hội diễn và thực hiện trao truyền thông qua hoạt động mô hình văn hóa, văn nghệ cơ sở. Nhờ đó nghệ thuật khèn của đồng bào người Mông Thái Nguyên ngày càng lan tỏa, bay xa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin