Ký ức làm phim “Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân”

Sơn Trường 09:37, 03/05/2023

Cách đây đúng 15 năm khi nhiều anh em làm báo Đảng địa phương còn chưa nghĩ tới làm truyền hình, nhất là thể loại phim tài liệu thì Báo Thái Nguyên dưới sự dẫn dắt của Tổng Biên tập Phan Hữu Minh, 8 tập phim tài liệu về Vũ Xuân, người con ưu tú của quê hương Thái Nguyên và cuốn nhật ký anh để lại, đã được sản xuất thành công, tạo ấn tượng mạnh mẽ với đồng nghiệp và công chúng cả nước. Điều đáng nói, sau khi đăng tải trên Báo Thái Nguyên điện tử, phát trên sóng của Đài PT-TH Thái Nguyên và một số báo, đài địa phương khác, phim đã được phát đi phát lại nhiều lần trên một số kênh của Đài Truyền hình quốc gia và Đài Kỹ thuật số VTC.

Đoàn công tác Báo Thái Nguyên làm phim “Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân” tác nghiệp tại nước bạn Lào.
Đoàn công tác Báo Thái Nguyên làm phim “Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân” tác nghiệp tại nước bạn Lào.

Nhật ký Vũ Xuân được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in ấn và phát hành tháng 10-2005 do đồng đội của anh, Đại tá Đỗ Hà Thái và Đại tá, nhà văn Nguyễn Tiến Hải tập hợp giới thiệu. Ở thời điểm đó, cùng với Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Nhật ký Vũ Xuân được nhiều người quan tâm, biết đến như những tác phẩm văn học, lịch sử có giá trị. Chính vì thế, các cuốn nhật ký này đã trở thành nguồn đề tài "hót" cho báo chí, điện ảnh, nghệ thuật khai thác, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong công chúng.

Đạo diễn tài hoa Đặng Nhật Minh đã làm phim truyện rất hay về Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm năm 2009 với tên gọi “Đừng Đốt”. Còn đạo diễn Nguyễn Hữu Mười cùng Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất phim “Mùi cỏ cháy” trên cơ sở kịch bản chuyển thể từ cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc do đồng đội anh, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm viết, ra mắt phim năm 2011.

Và Nhật ký Vũ Xuân cùng lý tưởng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của thế hệ trẻ trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt đã được những người làm báo Báo Thái Nguyên chuyển thể thành phim tài liệu dài tập: “Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân”.

Đến ngày 13/5/2023 này là tròn 39 năm ngày Vũ Xuân hy sinh. Với 11 năm quân ngũ cùng 3 cuộc hành quân lớn, nhất là cuộc hành quân thứ 3 từ Bắc vào Nam qua nước bạn Lào và Campuchia, Vũ Xuân đã để lại gia tài quý giá là cuốn Nhật ký ghi lại thời gian, sự kiện, hành trình và lý tưởng của Liệt sĩ từ khi nhập ngũ đến trước lúc anh ngã xuống trong một trận chiến ác liệt với kẻ thù tại Đồn Kênh Hai, Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Hành trình mà anh và đồng đội phải trải qua để đến được chiến trường Nam Bộ lên tới 2.000 cây số, rất gian nan vất vả từ Thái Nguyên đi Hà Nội vào Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, sang Lào, Campuchia, về Tà Keo, Châu Đốc, U Minh…

Vũ Xuân sinh ngày 25/4/1946 tại TP. Thái Nguyên. Sau hơn mười năm đèn sách với bao dự định, ngày 3/7/1963 anh lên đường nhập ngũ với mục đích rõ ràng: “Bàn giao nguyên vẹn giang sơn Việt Nam cho thế hệ tương lai là trách nhiệm của chúng mình, của thế hệ thanh niên đang sống và chiến đấu chống Mỹ này. Không thể kéo dài và dây dưa được nữa. Máu chúng ta đã đổ nhiều rồi. Chúng ta không thể ngồi yên”…

Với ý tưởng theo dấu chân Liệt sĩ và đồng đội để làm phim, đoàn làm phim Báo Thái Nguyên muốn cung cấp cho người xem những hình ảnh chân thực để phần nào thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà thế hệ các anh phải trả bằng máu xương vì mục tiêu cao cả: Thống nhất đất nước.

Từ ý tưởng đến xin chủ trương, cấp phép, vận động nguồn lực rồi cắt đặt lựa chọn nhân sự tham gia thực hiện và viết kịch bản, làm tổng đạo diễn 8 tập phim “Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân” không ai khác chính là nhà báo Hữu Minh. Anh lựa chọn trong Tòa soạn một số “cây đa, cây đề” như Phó Tổng Biên tập Vũ Liêu, Liêu Chiến, rồi các tay viết cứng có thể làm kịch bản chi tiết, soạn lời bình cho các tập phim như nhà báo Minh Hằng, Xuân Hòa, Thúy Hằng, Ngọc Sơn… Lực lượng quay phim, tổ chức hình ảnh, hiện trường… cơ bản là nhân sự thuộc Phòng Điện tử của Báo cùng với sự cộng tác, giúp sức làm hậu kỳ của một bộ phận thuộc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam.

Tôi là thành viên vinh dự được Tổng đạo diễn lựa chọn tham gia thực tế làm 2 tập phim và viết lời bình cho 1 tập ở miền Trung. Chúng tôi chia đoàn đi thực tế ở các nơi, đoàn đầu tiên đi xa nhất là bay qua Campuchia rồi vào Tây Nam Bộ; đoàn thứ hai đi Quảng Bình, Quảng Trị; đoàn thứ ba đi các tỉnh phía Tây dãy Trường Sơn thuộc nước bạn Lào; các đoàn còn lại đi trong tỉnh Thái Nguyên và một số địa điểm khác liên quan.

Đoàn làm phim ghi hình tại Vương quốc Campuchia.
Đoàn làm phim ghi hình tại Vương quốc Campuchia.

Tôi được đi hai chuyến để làm tập 3 - Miền đất lửa và tập 4 - Phía Tây Trường Sơn. Ngày đó tôi là phóng viên, được tháp tùng 2 nhà báo đàn anh giỏi nghề, giàu kinh nghiệm và cũng là lãnh đạo cơ quan nên thấy rất an tâm, hào hứng cùng anh em vác máy quay, cầm kịch bản lên đường. Chuyến đi để lại nhiều ấn tượng nhất chính là những ngày ghi hình bên nước bạn Lào.

Chúng tôi khởi hành vào cuối mùa Đông năm 2007 trên chiếc xe Toyota 16 chỗ của cơ quan đã xin giấy phép liên vận Việt - Lào. Thời tiết miền Bắc lúc này đang vào đợt rét đậm, có mưa phùn kéo dài. Vào đến Hà Tĩnh, chúng tôi được đồng nghiệp Báo địa phương làm các thủ tục nhập cảnh qua Cửa khẩu Cầu Treo sang nước bạn. Anh Nghiêm Sĩ Đống lúc đó là Phó Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh và một số anh em của báo cùng tham gia đoàn.

Chuyến đi này thật có nhiều điều trải nghiệm thú vị. Ngay khi bước chân qua cửa khẩu Việt - Lào (từ Quốc lộ 8 của ta nối với Quốc lộ 8A bên bạn), chúng tôi phải cởi bỏ áo khoác ngoài, mặc áo cộc vì khí hậu bên nước bạn đang vào mùa nắng nóng. Cảm nhận sự chênh lệch đột ngột khí hậu giữa ta và bạn làm chúng tôi liên tưởng đến câu thơ của Phạm Tiến Duật: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây/Bên nắng đốt, bên mưa quây”, sau được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc trở thành bài hát đi cùng năm tháng.

Theo dấu chân Liệt sĩ Vũ Xuân và đồng đội của anh khi hành quân vòng qua nước bạn Lào để vào miền Tây Nam Bộ, chúng tôi chỉ mất mấy ngày còn các anh phải vài tháng trời đi bộ. Có 3 địa danh thuộc vùng Trung Lào mà các anh qua là tỉnh Bô-ri-khăm-xây, Khăm-muộn và Sa-va-na-khẹt. Nơi đây là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số bản địa sinh sống, nhưng có không ít người Việt Nam sang làm ăn, giao thương.

Lạc-Sao, một thị trấn nhỏ của tỉnh Khăm-muộn, nơi từng là chiến trường đánh phá ác liệt của quân đội Mỹ thời điểm đó nay đã đổi khác rất nhiều, trở thành gạch nối giao thương giữa nước ta và nước bạn. Đồng bào thường làm nhà gỗ 2 tầng và phía bên dưới mỗi ngôi nhà đều có gara ô tô. Điều ngạc nhiên là gần như nhà nào ở thị trấn này cũng có một chiếc xe ô tô bán tải hiệu Toyota để đi. Cách nay 16 năm, việc sở hữu ô tô là điều mơ ước đối với rất nhiều người dân Việt Nam vì lúc đó thuế nhập khẩu ô tô vào nước ta rất cao, còn bên nước bạn, thuế chỉ bằng 0.

 
Đoàn công tác Báo Thái Nguyên làm phim “Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân” tác nghiệp tại nước bạn Lào.
Đoàn công tác Báo Thái Nguyên làm phim “Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân” tác nghiệp tại nước bạn Lào.

Đi dọc tuyến Quốc lộ 13 bám sát Tây Trường Sơn, chúng tôi vào thăm các bản làng từng một thời đổ nát do bom Mỹ, gặp gỡ bà con, được nghe họ kể những câu chuyện xúc động thắm tình quân dân của bộ đội Việt Nam. Ông Khăm-sỉn-luông-pa-sọt, Trung tá Quân đội nhân dân Lào từng tham gia hành quân với bộ đội Việt Nam, người nói tiếng Việt rất tốt, cho biết: Chúng tôi với bộ đội Việt Nam đã từng ăn cùng, ngủ cùng, học được nhiều thứ hay từ các bạn.

Còn Trưởng bản Băng Cùng, một bản nằm dọc tuyến đường hành quân của Liệt sĩ Vũ Xuân và đồng đội, thuộc tỉnh Sa-va-na-khẹt, nhớ lại: Bộ đội Việt Nam tốt bụng lắm, hành quân qua bản đều nghỉ lại giúp bà con làm mọi việc, dạy cả dân trồng rau… Chúng tôi nhớ bộ đội Việt Nam nhiều lắm!

Tại nước bạn Lào, chúng tôi còn được chứng kiến cây cầu cũ bắc qua sông Sê Băng Hiên - dòng sông bắt nguồn từ Tây dãy Trường Sơn thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) chạy sang nước bạn, chỉ còn là chứng tích sau khi Mỹ ném bom phá hủy nhằm cản đường hành quân của bộ đội ta và quân Pathet Lào. Chính cây cầu mới nằm ngay bên cạnh hiện nay đã thay thế cầu cũ từ lâu là do Việt Nam xây tặng, thể hiện tình hữu nghị, tình anh em thắm thiết của hai đất nước, hai dân tộc.

Những ngày ở bên nước bạn, dù xa quê nhưng anh em trong đoàn làm phim chúng tôi vẫn như đang sinh hoạt ở nhà bởi tình cảm người dân bản địa dành cho mình, bởi được gặp nhiều người Việt sang giao thương, sinh sống và vì sự kết nối thông tin rất thuận tiện. Còn nhớ ngày cuối ở tại khách sạn Mê Công, nằm ngay trên dòng sông cùng tên thuộc địa phận tỉnh Khăm-muộn, sau khi viết bài truyền về Tòa soạn Báo Thái Nguyên qua mạng Internet, chúng tôi còn kịp xem chương trình thời sự lúc 19 giờ phát trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam tại phòng ăn của khách sạn…

Có thể nói, còn nhiều điều thú vị trong mỗi chuyến làm phim về Nhật ký Vũ Xuân trên dọc đường hành quân mà Liệt sĩ đã qua mà chúng tôi chưa có dịp kể. Nhưng chắc chắn còn nhiều cơ hội để được cùng bạn đọc ôn lại kỷ niệm làm phim về anh - người con ưu tú của mảnh đất Thái Nguyên Anh hùng, về cuốn nhật ký của anh. Nhân chuẩn bị 39 năm ngày giỗ Liệt sĩ Vũ Xuân và nhiều đồng đội của anh, chúng ta hãy dành nén tâm nhang hướng về các anh với lòng biết ơn sâu sắc thế hệ những người đã không tiếc tuổi xuân, xương máu của mình để “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”.