“Chín năm làm một Điện Biên”

Tùy bút của Phạm Ngọc Chuẩn 07:49, 07/05/2023

Núi rừng Định Hóa, cả một miền mênh mông lớn rộng, ấm áp như lòng mẹ bao dung chở che những đội binh hùng cường của con dân đất Việt. Cũng giữa đại ngàn ấy lòng dân đùm bọc, bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, các cơ quan, đơn vị rèn luyện quân binh, tích trữ lương thảo, cùng cả nước làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu.

Vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, bộ đội Việt Nam giương cao lá cờ chiến thắng trên nóc hầm của tướng De Castries.
Vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, bộ đội Việt Nam giương cao lá cờ chiến thắng trên nóc hầm của tướng De Castries.

Mới đó đã sáu mươi chín năm lá cờ đỏ sao vàng thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng quật cường, hiên ngang, hào sảng tung bay trên nóc hầm của viên tướng bại trận đến từ Pháp quốc - Tướng De Castries. Sắc cờ đào kiêu hãnh lồng lộng dưới bầu trời Tây Bắc, cùng nụ cười hồn nhiên của một thế hệ luôn trong tư thế “dời non lấp bể”, sẵn sàng chôn thân làm giá súng, lấy thân mình lấp lỗ châu mai, khiến đội quân viễn chinh hùng hậu khiếp đảm, cúi đầu khuất phục vô điều kiện.

Tiết trời tháng Năm, cả một miền Tây Bắc chan hòa ánh nắng. Dẫu nguôi vơi, bao người lính ở 2 đầu chiến tuyến ngày gặp lại sau ngày 7 tháng 5 năm 1954 đã gác quên hận thù bằng cái bắt tay thân thiện. Nhưng các thế hệ con cháu người Việt Nam chưa bao giờ nguôi quên có một mùa Xuân cả đất nước cùng vượt thác núi lên giải phóng Điện Biên.

Hồi bấy giờ đã có bao đôi chân trần đạp bằng ngọn đá tai mèo; bao đôi vai mảnh mai chai sần vì gồng gánh tiếp tế lên tuyến đầu. Từng đoàn người, gái cùng trai chẳng quản dặm trường giữa núi non vời vợi, bàn chân người đi sau đặt vào bàn chân người đi trước, liên tiếp như một dòng chảy, trùng trùng như bài ca ra trận.

Dòng chảy ấy băng trên những con đường mòn bám bên mép vực của dòng Nậm Pô, Nậm Mức (Điện Biên Phủ). Lại ngược bên cuồn cuộn chảy của dòng sông Đà, sông Mã. Lắm lúc lại có ngã rẽ ngược lên đỉnh núi Phú Hồng Mẹo và đỉnh Tây Trang. Đó là 2 đỉnh núi cao nhất của những dải núi đất, núi đá ôm lấy một vùng đất rộng lớn, tạo thành lòng chảo Điện Biên.

Những dốc đèo: Pha Đin, Lũng Lô, rồi ngã ba Cò Nòi thăm thẳm dưới tán rừng già trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay thực dân xâm lược. Bom đạn chồng lên bom đạn, khoét sâu vào lòng đất giống người đào giếng tìm nước. 

Trên công trường hỏa tuyến, cùng tiếng búa, tiếng xà beng troòng đá, tiếng cuốc cào san lấp mặt đường còn có tiếng nói cười, tiếng hát ví đối của các cô gái, chàng trai đứng bên mép vực làm cột tiêu sống cho đoàn xe chuyển quân lương vào mặt trận. Tất cả “Không sờn lòng không tiếc tuổi xuân”. Những cuộc đời mãi mãi tuổi đôi mươi cuộn trào khát vọng dâng hiến, với niềm tin ngày toàn thắng đã đến rất gần.

Nhiều chuyên gia quân sự ví von rằng: Định Hóa là nơi khởi phát một chiến dịch huyền thoại, thì Điện Biên Phủ là nơi kết thúc, chấm dứt một bạo lực cường quyền của thực dân Pháp ở Việt Nam và ở bán đảo Đông Dương. Vâng! Giữa 2 điểm đi và đến ấy là một hành trình dài được xây đắp bằng xương máu quân dân trên nhiều miền Tổ quốc. Đọt măng rừng từ núi đồi trung du làm ấm bụng, cánh ban rừng xứ sở Tây Bắc xoa dịu đi một niềm đau giội lên từ thẳm sâu tâm hồn. Để cả dân tộc Việt Nam bền gan đi suốt trên hành trình tranh đấu hơn ba nghìn ngày không nghỉ.

Cao điểm là “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn”. Trận cuối khốc liệt, đầy mất mát, hy sinh với tổng lực tấn công của ta, với hơn 40.000 cán bộ, chiến sĩ được biên chế tại 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo. Cùng bộ đội là hơn 260.000 dân công, thanh niên xung phong. Tất cả hướng tiến về Điện Biên Phủ, đồng lòng đánh bại mọi toan tính của Bộ Tổng tham mưu Pháp.

Du khách tham quan Di tích Đồi Tỉn Keo tại ATK Định Hóa, nơi đây, ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Du khách tham quan Di tích Đồi Tỉn Keo tại ATK Định Hóa, nơi đây, ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Dưới trời tháng Năm, vẫn còn đây hàng cây Tếch xòe bóng rợp mát chở che bao bước chân người trên đường lên đồi A1. Màu đất ấy vẫn đỏ ối như ngày xưa, còn những chiến binh năm nào nay đã ngấp nghé tuổi bách niên, chân chậm, mắt mờ, thận trọng đặt từng bước chân lên nền đất từng nhuộm máu đồng đội. Từ đỉnh đồi A1 có thể phóng mắt nhìn bao quát được một vùng TP. Điện Biên đang vươn lên, đổi mới từng ngày. 

Cũng trên đồi A1, lại thấy ngay dưới chân một hố bộc phá gần nghìn cân khoét sâu vào lòng đất. Khối bộc phá được cán bộ, chiến sì đào hầm, chuyển vào, đặt ngay dưới gối quân xâm lược. Ngày 5/5/1954, khối bộc phá được bộ đội công binh khai hỏa, làm rung chuyển cả vùng đất Điện Biên, ý trí tử thủ của quân xâm lược đại bại...

Hôm nay trở lại, những người lính năm xưa ngổn ngang những trăn trở của riêng mình, và chính những người lính ấy đã dang rộng cánh tay bịt nòng khẩu pháo chiếc xe tăng “Bazeilie” của địch đặt trưng bày trên đồi A1, với ý nghĩa yêu chuộng hòa bình.

"Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Lời thơ trong bài "Ba mươi năm đời ta có Đảng" của nhà thơ Tố Hữu như một đúc kết lịch sử, ngắn gọn, đầy đủ, dễ đi vào lòng người. Cả dân tộc Việt Nam đã làm nên thiên sử vàng oanh liệt, đi vào lịch sử nhân loại bằng cuộc kháng chiến trường kỳ ba nghìn ngày không nghỉ.