“Không trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân thù nhưng nhiệm vụ của người lính công binh cũng gian nan, vất vả và nguy hiểm không kém. Khi mở đường, xây công sự, bắc cầu qua sông, rà phá bom mìn... luôn phải đối diện với hy sinh, mất mát. Tiểu đoàn có thời điểm được biên chế hơn 400 quân nhưng chưa đầy 3 tháng sau, khi điểm lại chỉ còn chưa đến 160 người...”.
Hai cựu chiến binh Trường Sơn Nguyễn Văn Chiều (bên phải) và Đinh Ngọc Phú hàn huyên chuyện chiến trường. |
Trong căn nhà nhỏ ở tổ 18, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên), ông Nguyễn Văn Chiều, cựu chiến binh Trường Sơn, bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế khi kể về cuộc đời binh nghiệp của mình.
Trong câu chuyện, ông Chiều cùng người đồng ngũ Đinh Ngọc Phú (hiện là Chánh Văn phòng Hội Cựu chiến binh tỉnh, người cùng đơn vị những năm 1973-1979) đã kể lại những kỷ niệm về một thời đã xa.
Mặc dù đã ở tuổi 83, vóc dáng bị thời gian “bào mòn”, những nếp nhăn khiến cho khuôn mặt có phần khắc khổ nhưng trí nhớ và sự minh mẫn của ông Chiều có lẽ ít người cùng tuổi sánh kịp.
Ông kể: Tôi quê ở Lý Nhân (Hà Nam), khi lớn lên đã sớm theo bố đi làm ăn buôn bán. Năm 1964, tôi nhận lệnh nhập ngũ khi đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn chuẩn bị tăng cường đánh phá miền Bắc. Mặc dù thời điểm ấy, vợ đã sắp đến kỳ sinh nở nhưng theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi quyết tâm lên đường với niềm tin son sắt đất nước sẽ sớm thống nhất, mọi nhà lại được đoàn viên. Ngày ấy, tôi cứ nghĩ sẽ được trực tiếp cầm súng xông pha đánh giặc, nhưng lại được biên chế vào một đơn vị công binh - Tiểu đoàn 27, Quân khu 4. Đời tôi gắn bó với nghiệp lính công binh từ đó.
Sau 3 tháng huấn luyện, đơn vị của ông Chiều được điều động đi làm nhiệm vụ bắc cầu, mở đường trên tuyến đường Trường Sơn, đoạn Nghệ An - Hà Tĩnh - Khăm Muộn (Lào), phục vụ xe chở quân lương, khí tài quân sự từ miền Bắc vào chiến trường B3 Tây Nguyên.
Năm đó, tuy đoạn đường chưa chịu ảnh hưởng của bom Mỹ nhưng công việc chặt cây mở đường, chống lầy cho xe qua vất vả vô cùng. Đơn vị làm nhiệm vụ ở hai bên sườn dãy Trường Sơn, một năm chỉ có 2 mùa: Mùa mưa và mùa khô. 6 tháng mùa khô, phía Tây Trường Sơn nắng như lửa đốt, khói bụi mù mịt. Vào mùa mưa, những cơn mưa rừng ào ào tràn về như thác nước, củi không có để đun nấu. Có lần, lương thực bị nước lũ cuốn trôi, cả đơn vị phải “nhường cơm sẻ áo”, ăn uống kham khổ, tằn tiện vì xe tiếp lương không thể vào. Tuy vậy, đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ông Nguyễn Văn Chiều kể lại khoảnh khắc sinh tử: Có một lần, khi tôi và 2 chiến sĩ đang đào hầm trú ẩn thì bị máy bay Mỹ dội bom xuống. Do áp lực của bom nổ khiến miệng hầm bị sập, 3 người bị vùi lấp dưới đất, cũng may còn một cây chống giữa hầm để lại một khoảng trống và lỗ thông hơi cho mọi người thở. Phải hơn một tiếng sau, đồng đội mới phát hiện, bới đất giải cứu. |
Ông Chiều nhớ lại: Khoảng tháng 3/1965, tôi được cử về học lớp sĩ quan công binh nhưng xe đưa ra đến Thanh Hóa thì cầu bị bom Mỹ đánh sập. Chúng tôi phải vượt sông, đi bộ từ đó ròng rã 1 tuần mới ra đến Bắc Ninh để học. Sau 6 tháng học, tôi từ anh binh nhất được thăng hàm chuẩn úy, giữ chức trung đội trưởng và được điều về làm nhiệm vụ xây công sự cho lực lượng Hải quân ở Quảng Ninh.
Năm 1966, khi giặc Mỹ tìm mọi cách ném bom phá hoại đường Trường Sơn để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam, ông Chiều được điều động vào miền Trung, biên chế vào Tiểu đoàn 39 (Quân khu 4), thuộc lính mặt trận tiền phương, đóng quân ở Tuyên Hóa (Quảng Bình), phụ trách cầu đường đoạn từ Quảng Bình vào Hà Tĩnh.
Ông kể: Đây là một trong những đoạn đường bị địch ném bom đánh phá ác liệt nhất lúc bấy giờ. Có lần máy bay địch vừa ném bom xong, chúng tôi nghĩ chúng chưa thể quay lại, trong khi đường cần được sửa chữa gấp nên anh em đốt đuốc khẩn trương đào lấp. Nào ngờ chỉ một lúc sau, vì thấy ánh sáng, máy bay địch đã quay lại ném bom, rất may vì địa hình hiểm trở nên chúng ném bom lệch tọa độ...
Trong những năm 1967-1968, có lẽ ác liệt, nguy hiểm nhất với ông Chiều và đơn vị là khi rà phá bom mìn để làm cầu đường cho xe qua. Ngày ấy, Mỹ ném rất nhiều loại bom xuống nhằm cắt đứt hoàn toàn tuyến đường chi viện cũng như tiêu diệt sinh lực của bộ đội ta trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam.
Từ đầu những năm 1970 đến khi giải phóng miền Nam, đơn vị của ông Chiều nhiều lần được sáp nhập để thành lập đơn vị mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời chiến, như: Sư đoàn Công binh 473 (thuộc Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn), Sư đoàn 531 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông cùng đơn vị đi tiền trạm, làm cầu, mở đường cho quân giải phóng.
Đến năm 1979, khi đang làm nhiệm vụ xây đập Dầu Tiếng thì chiến sự biên giới phía Bắc nổ ra, ông Chiều lại nhận lệnh ra Bắc, thực hiện nhiệm vụ ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Từ năm 1980, ông công tác ở các đơn vị trực thuộc Quân khu 1. Đến năm 1992, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá, khi đang làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân khu 1.
Suốt cuộc đời binh nghiệp, trải qua bao gian khó, nguy hiểm từ chiến tranh đến thời bình, Đại tá Nguyễn Văn Chiều đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Quân kỳ quyết thắng, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc…
Đến khi nghỉ hưu, ông tiếp tục phát huy phẩm chất người lính, cống hiến cho địa phương với nhiều năm làm Bí thư Chi bộ tổ dân phố, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam phường Phan Đình Phùng. Năm 2021, ông vinh dự được nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Là một người lính công binh, ông luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, luôn là tấm gương sáng để con cháu noi theo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin