Đấu tranh đẩy lùi thói xu nịnh

Theo qdnd.vn 10:51, 24/04/2023

Thông thường ai cũng muốn được khen ngợi. Lời khen thực hiện đúng lúc, đúng chỗ, đúng người, đúng mực, kịp thời sẽ có tác dụng khích lệ, động viên rất lớn. Tuy nhiên, nếu khen một cách dễ dãi, gặp đâu khen đấy, khen không xuất phát từ tấm lòng chân thành thì đó lại là a dua, nịnh bợ...

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395, Quân khu 3), thường xuyên trao đổi thẳng thắn, giúp nhau nhận rõ điểm mạnh, điểm yếu để rút kinh nghiệm.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395, Quân khu 3), thường xuyên trao đổi thẳng thắn, giúp nhau nhận rõ điểm mạnh, điểm yếu để rút kinh nghiệm.

Xu nịnh là hành vi có tính toán của những kẻ kém tài, kém đức, sống thiếu trung thực, giả tạo, chủ yếu dùng xảo ngôn, miệng lưỡi “đường mật” để ca tụng, tâng bốc lấy lòng người khác nhằm mục đích vụ lợi cá nhân. Thói xu nịnh xuất hiện từ xa xưa và tồn tại cho đến ngày nay một phần là do không ít người luôn thích nghe những "lời có cánh” thay vì những lời thẳng thắn, thật lòng.

Thói xu nịnh biến hóa khôn lường với muôn hình vạn trạng. Nó không đơn thuần là cấp dưới nịnh bợ cấp trên mà nhiều khi cấp trên cũng nịnh cấp dưới... Hậu quả của việc này khiến những người được nịnh tự mãn, ảo tưởng, đồng thời những cán bộ, đảng viên chân chính sinh ra chán nản, giảm ý chí phấn đấu, không thiết tha cống hiến. Cơ quan, đơn vị có kẻ nịnh bợ thường dẫn đến cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, mất đoàn kết hoặc đoàn kết xuôi chiều, từ đó năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng giảm sút, chất lượng thực hiện nhiệm vụ thấp.

Theo Thượng tá Trần Kim Trọng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395, Quân khu 3): Hiện nay, đội ngũ cán bộ các cấp trong đơn vị đều được đào tạo cơ bản tại các trường sĩ quan, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng nên hiện tượng “nịnh hót” xuất hiện không nhiều song vẫn len lỏi đâu đó trong cuộc sống, sinh hoạt, công tác hằng ngày. Tuy biểu hiện chủ yếu chỉ dừng lại ở việc dùng những “lời có cánh” để lấy lòng cấp trên, đồng đội, nhưng nếu không được chấn chỉnh sẽ tạo ra dư luận xấu, ít nhiều ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Theo Trung tá Vũ Xuân Lợi, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 405 (Quân khu 3): Các đợt sinh hoạt chính trị, phong trào thi đua, cuộc vận động, nhất là việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai rộng khắp, liên tục trong thời gian dài tại các cơ quan, đơn vị đã và đang tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ cán bộ, đảng viên luyện rèn bản lĩnh, bồi đắp lý tưởng, tu dưỡng phẩm chất đạo đức. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị chú trọng mở rộng và phát huy dân chủ ở cơ sở, đề cao tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt, học tập đã giúp cán bộ, chiến sĩ có điều kiện được bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình một cách thẳng thắn, cởi mở; giúp cho mối quan hệ cán-binh, cấp trên với cấp dưới ngày càng gắn bó, trong sáng trên tinh thần thương yêu đồng chí, đồng đội. Điều này đã góp phần tích cực vào ngăn chặn thói xu nịnh và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

Để có thể xóa bỏ thói xu nịnh, theo Đại tá Nguyễn Đình Khiêm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 395 (Quân khu 3): Quan trọng nhất là phải giáo dục, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, giàu lòng tự trọng. Bởi khi cán bộ, đảng viên có phẩm chất, lòng tự trọng sẽ luôn biết giữ gìn danh dự của bản thân, trung thực, giản dị, tỉnh táo, sáng suốt và không bị "mê hoặc" trước những lời lẽ vuốt ve, ca ngợi thái quá.

Đẩy lùi thói xu nịnh không phải vấn đề đơn giản, không phải là việc làm một sớm một chiều nên cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn thể hiện thái độ thẳng thắn, kiên quyết, kiên trì đấu tranh với biểu hiện tiêu cực này. Trước hết, cần thường xuyên quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng động cơ làm việc đúng đắn, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức trong sáng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người chủ trì trong nhận xét, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng nguyên tắc và tuân thủ đúng quy trình; tạo môi trường làm việc lành mạnh, bình đẳng, công bằng để cán bộ, đảng viên cùng nhau nỗ lực rèn luyện, phấn đấu.


Từ khóa:

thói xu nịnh

đấu tranh