Phát huy truyền thống, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Bộ đội Phòng không - Không quân

Theo qdnd.vn 17:44, 19/10/2023

Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không, trong thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. 60 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển, Quân chủng không ngừng lớn mạnh, luôn phát huy truyền thống của dân tộc, bản lĩnh, trí tuệ của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam anh hùng, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, “Người chiến sĩ PK-KQ ưu tú”, đoàn kết, mưu trí, sáng tạo, lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ đội Phòng không-Không quân làm chủ khí tài hiện đại bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.
Bộ đội Phòng không-Không quân làm chủ khí tài hiện đại bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.

Dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng

Để làm tốt công tác hiệp đồng, chỉ huy tác chiến thống nhất, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thực hiện nghị quyết của Đảng, sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22-10-1963, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký quyết định thành lập Quân chủng PK-KQ trên cơ sở sáp nhập Bộ tư lệnh Phòng không và Cục Không quân.

Vừa mới ra đời, mặc dù trang bị vũ khí còn lạc hậu, phải đương đầu với lực lượng không quân, hải quân hiện đại của đế quốc Mỹ, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; với ý chí quyết tâm và tinh thần “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng”, Bộ đội PK-KQ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, chiến đấu anh dũng, kiên cường, cùng quân và dân cả nước đánh bại các kế hoạch, trận đánh, chiến dịch lớn của đế quốc Mỹ.

Đặc biệt, chiến thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, đỉnh cao là Chiến dịch Phòng không cuối tháng 12-1972 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương trên miền Bắc đã tạo ra bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản cục diện chiến tranh, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong từng chiến dịch và trong mỗi trận đánh, Bộ đội PK-KQ đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tìm ra nhiều cách đánh hay, độc đáo, càng đánh càng mạnh, càng trưởng thành nhanh chóng. Qua chiến đấu, Bộ đội PK-KQ đã được tôi luyện bản lĩnh chính trị, tinh thần can trường, gan góc và tài trí thông minh, sáng tạo; các nhân tố đó đã hòa quyện vào nhau để tìm ra cách đánh, được đúc kết bằng những câu nói bất hủ, thể hiện phương châm sống và chiến đấu của Bộ đội PK-KQ, như: “Vạch nhiễu tìm thù”; “nhằm thẳng quân thù mà bắn”; “thà hy sinh chứ nhất định không chịu rời trận địa”; “đã xuất kích là mang chiến thắng trở về”; “tất cả tình yêu dành cho bầu trời, nghĩa vụ dành cho đất nước”... 

Có thể nói, từ Bắc đến Nam, trên các mục tiêu trọng điểm, các địa danh đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt nhất bằng không quân và hải quân đều ghi dấu chân người chiến sĩ PK-KQ cùng những chiến công lẫy lừng.

Những cái tên, như: Hàm Rồng, Truông Bồn, Linh Cảm, Đồng Lộc, Xuân Sơn, Khe Tang, Khe Ve, Tà Lê, Phu La Nhích; các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Vinh, Thái Nguyên, Việt Trì và nhiều địa danh trên chiến trường Đông Dương... đã mang dấu ấn đậm nét của các đơn vị và những chiến công chói lọi của Bộ đội PK-KQ.

Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, Bộ đội PK-KQ đã đánh hàng nghìn trận, bắn rơi 2.635 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 64 máy bay B-52, 13 chiếc F111, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái.

Với những thành tích xuất sắc, Quân chủng PK-KQ đã có 147 lượt tập thể, 148 lượt cá nhân được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, cùng hàng nghìn huân, huy chương và nhiều phần thưởng cao quý khác. Quân chủng vinh dự được 17 lần đón Bác Hồ đến thăm.

Tập trung xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Hiện nay, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay... đặt ra yêu cầu ngày càng cao, tính chất đa dạng, phức tạp, khẩn trương, nhất là trên không và trên hướng biển, đảo, đòi hỏi Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng, cấp ủy, chỉ huy các cấp quyết liệt triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa theo đúng lộ trình, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Quân chủng xác định, trước hết, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt nghiêm túc và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương (QUTƯ) về xây dựng QĐND Việt Nam trong tình hình mới; không ngừng xây dựng và phát huy nhân tố chính trị, tinh thần nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo và xây dựng, củng cố niềm tin, tình cảm, ý chí quyết chiến, quyết thắng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thường xuyên rà soát, kiện toàn tổ chức, biên chế, trang bị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân chủng tinh, gọn, mạnh, hiện đại. Duy trì chặt chẽ lực lượng SSCĐ trên tất cả các hướng theo đúng chỉ lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, quy định về chế độ SSCĐ của Quân chủng và lực lượng PK-KQ của Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.

Tích cực tổ chức các chuyến bay trinh sát tuần tiễu, bay khẳng định chủ quyền biển, đảo, bay nhiệm vụ đột xuất bảo đảm an toàn tuyệt đối. Quản lý chặt chẽ vùng trời trách nhiệm, xử trí chính xác, kịp thời các tình huống tác chiến phòng không. Các đài, trạm ra-đa, nhất là tại các đảo tiền tiêu, các đài quan sát phòng không, vọng quan sát mắt thường xuyên nêu cao cảnh giác, thông báo kịp thời, chính xác các tình huống trên không, tuyệt đối không để bất ngờ, lỡ thời cơ xử trí.

Trên cơ sở kế thừa nghệ thuật tác chiến PK-KQ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và nghiên cứu các cuộc xung đột, chiến tranh trên thế giới gần đây, phân tích, đánh giá, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch, vận dụng linh hoạt đường lối chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân, thế trận phòng thủ khu vực tỉnh, thành phố, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại; bổ sung, hoàn thiện thế trận, cách đánh, phương án tác chiến sát thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm cho SSCĐ và chiến đấu thắng lợi.

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, quy định, quy trình của QUTƯ, Bộ Quốc phòng và Quân chủng về nhiệm vụ huấn luyện, nhất là Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20-12-2022 của QUTƯ về “nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo”; tập trung đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, kết hợp chặt chẽ huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, rèn luyện bản lĩnh, ý chí chiến đấu với huấn luyện, rèn luyện nâng cao thể lực bộ đội, đáp ứng nhiệm vụ SSCĐ và chiến đấu trong mọi tình huống khẩn trương, quyết liệt, dài ngày.

Đối với lực lượng không quân: Tập trung huấn luyện đội ngũ phi công nâng cao trình độ, kỹ năng, kỹ xảo trong bay, có bản lĩnh, tâm lý vững vàng, khai thác thành thạo các loại máy bay, vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện có, coi trọng huấn luyện ứng dụng chiến đấu; đào tạo phi công trẻ, phi công mũi nhọn, huấn luyện bay trong điều kiện phức tạp bảo đảm sẵn sàng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết ngày cũng như đêm.

Đối với lực lượng phòng không: Tổ chức huấn luyện cho bộ đội hiểu biết, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, khí tài được trang bị, nắm chắc VKTBKT, phương tiện chiến tranh của địch để có phương án tác chiến phù hợp. Coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, thực hành chiến đấu cho các cấp; huấn luyện thu hồi, cơ động, triển khai vũ khí, khí tài và huấn luyện đêm sát thực tế chiến đấu...

Tổ chức tốt các cuộc diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng và các lực lượng theo hướng linh hoạt, cơ động nhanh trong điều kiện tác chiến mới. Nâng cao chất lượng nghiên cứu, nắm, dự báo chính xác tình hình; tham mưu đúng, trúng, kịp thời với Đảng, Nhà nước, QUTƯ, Bộ Quốc phòng về xây dựng thế trận phòng không nhân dân, không quân toàn quân trong thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc; cách thức sử dụng lực lượng PK-KQ tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.

Chủ động nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục-đào tạo, khoa học và công nghệ, xây dựng các học viện, nhà trường chính quy, mẫu mực, chuẩn hóa, hiện đại hóa và liên thông. Việc xây dựng nguồn nhân lực cần chú trọng cả về số lượng và chất lượng theo lộ trình hiện đại hóa VKTBKT của các lực lượng.

Lựa chọn những cán bộ có phẩm chất, năng lực, trình độ gửi đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, làm nòng cốt trong tiếp nhận tri thức công nghệ mới, hiện đại. Mở rộng quan hệ hợp tác với lực lượng PK-KQ các nước trên một số lĩnh vực nhằm tận dụng, huy động các nguồn lực từ bên ngoài, phục vụ xây dựng Quân chủng tinh, gọn, mạnh, hiện đại.

Quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của QUTƯ, Kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; điều chỉnh tổ chức lực lượng Quân chủng PK-KQ giai đoạn 2022-2025; Đề án xây dựng lực lượng Không quân Quân chủng PK-KQ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tập trung xây dựng các đơn vị bảo đảm tinh, gọn, mạnh, thực hiện bố trí, điều chỉnh, sắp xếp hợp lý, cân đối giữa các thành phần lực lượng; ưu tiên các đơn vị SSCĐ, trực tiếp làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, các mục tiêu chiến lược, trọng yếu.

Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Cuộc vận động 50; tích cực học tập nâng cao trình độ, khai thác hiệu quả các chủng loại VKTBKT, cùng với bảo đảm “giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm” các loại VKTBKT hiện có.

Nghiên cứu, nâng cao năng lực bảo dưỡng, sửa chữa, cải tiến VKTBKT, giảm sự phụ thuộc vào các dây chuyền công nghệ của nước ngoài, từng bước nghiên cứu sản xuất, chế tạo các trang thiết bị, phụ tùng thay thế, tiến tới sản xuất, chế tạo hoàn chỉnh từng chủng loại VKTBKT.

Chủ động nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự, nghệ thuật quân sự, các hình thái, kiểu loại chiến tranh mới để tham mưu, đề xuất mua sắm VKTBKT bảo đảm đồng bộ, thống nhất, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước, cách đánh của Bộ đội PK-KQ, vừa không để bị lạc hậu, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong mọi tình huống.