Ngày 14/2, Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua luật cấm bán ô-tô chạy bằng xăng và dầu diesel ở Liên minh châu Âu từ năm 2035, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện và chống biến đổi khí hậu.
Biển báo điện tử có nội dung "Ô nhiễm, giới hạn tốc độ 60km" trên đường vành đai Paris, Pháp. Ảnh: Reuters |
Theo các quy tắc mang tính bước ngoặt này, đến năm 2035, các nhà sản xuất ô-tô phải cắt giảm 100% lượng khí thải CO2 từ những chiếc ô-tô mới được bán ra. Điều này sẽ khiến việc bán các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch mới trong khối 27 quốc gia là không thể.
Luật cũng đặt ra mức cắt giảm 55% lượng khí thải CO2 đối với ô-tô mới bán ra từ năm 2030 so với mức của năm 2021, cao hơn nhiều so với mục tiêu hiện tại là 37,5%.
Xe tải mới cũng phải tuân thủ mức cắt giảm 100% CO2 vào năm 2035 và cắt giảm 50% vào năm 2030, so với mức của năm 2021.
Ông Jan Huitema, người phụ trách đàm phán của Nghị viện châu Âu về quy tắc cho biết: “Chi phí vận hành của một chiếc xe điện đã thấp hơn so với chi phí vận hành của một chiếc xe có động cơ đốt trong".
Các nước EU đã đồng ý thỏa thuận với các nhà lập pháp vào tháng 10 năm ngoái, nhưng vẫn cần chính thức tán thành các quy tắc trước khi chúng có hiệu lực. Phê duyệt cuối cùng dự kiến vào tháng 3 tới.
Nhiều nhà sản xuất ô tô ở châu Âu đã công bố đầu tư vào điện khí hóa.
Năm ngoái, Giám đốc điều hành Volkswagen Thomas Schaefer cho biết, từ năm 2033, thương hiệu này sẽ chỉ sản xuất ô tô điện ở châu Âu.
Tuy nhiên, khi được đề xuất vào tháng 7/2021, luật này của EU đã vấp phải sự phản đối từ một số ngành và quốc gia. Do đó, thỏa thuận cuối cùng có một số điều khoản linh hoạt, trong đó có việc các nhà sản xuất ô-tô nhỏ sản xuất dưới 10.000 xe mỗi năm có thể thương lượng các mục tiêu yếu hơn cho đến năm 2036.
Luật CO2 dành cho xe hơi là một phần trong gói chính sách khí hậu cứng rắn hơn của EU, được ban hành để đạt được các mục tiêu của khối nhằm cắt giảm lượng khí thải nhà kính trong thập kỷ này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin