Các quy định hạn chế hoạt động nhằm ngăn chặn sự lây lan COVID-19, như đeo khẩu trang và không nói chuyện trong bữa ăn, được cho là một trong những yếu tố ảnh hưởng sức khỏe tinh thần của trẻ em.
Học sinh ở Nhật Bản đeo khẩu trang phòng chống COVID-19. (Nguồn: Guardian) |
Riêng trong tháng 10 năm ngoái, có tới 13% học sinh từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông ở Nhật Bản có xu hướng trầm cảm cần được chăm sóc y tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đây là kết quả khảo sát vừa được Trung tâm quốc gia về sức khỏe và phát triển trẻ em Nhật Bản công bố.
Cuộc khảo sát được thực hiện đối với khoảng 3.000 học sinh từ lớp 5 đến năm đầu của cấp trung học phổ thông, trong đó khoảng 1.900 học sinh (tương đương khoảng 60%) phản hồi.
Xu hướng trầm cảm được xác định thông qua việc theo dõi các triệu chứng như không thể tập trung và có hành vi tự làm tổn thương bản thân.
Kết quả cho thấy 13% số học sinh phản hồi khảo sát cho biết có các triệu chứng từ trung bình đến nặng hơn cần nhập viện. Tỷ lệ này cao hơn so với kết quả 6% được ghi nhận trong cuộc khảo sát năm 2020 và 11% năm 2021, dù đối tượng khảo sát khác nhau.
Theo Trung tâm quốc gia về sức khỏe và phát triển trẻ em Nhật Bản, các quy định hạn chế hoạt động của học sinh nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, như đeo khẩu trang và không nói chuyện trong bữa ăn, được cho là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ em.
Dù các biện pháp hạn chế đã được nới lỏng và thậm chí hủy bỏ, song trung tâm trên cảnh báo một số trẻ vẫn cần thời gian để phục hồi tinh thần và thể chất. Do vậy, người lớn cần quan tâm và lắng nghe trẻ em nhiều hơn.
Trung tâm cũng có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu những tác động của dịch COVID-19 đối với sức khỏe của trẻ em.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin