Cần phá "rào cản" từ các tiêu chuẩn kinh doanh phát triển bền vững

Theo baotainguyenmoitruong.vn 16:47, 10/04/2023

Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt hơn 79 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ. Bên cạnh nguyên nhân suy giảm kinh tế chung, các chuyên gia nhận định, một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững một cách chặt chẽ hơn khiến doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu, trong đó có ESG.

ESG là cụm từ viết tắt của "Environmental" (Môi trường), “Social” (Xã hội), và “Governance” (Quản trị doanh nghiệp). Đây là khung đánh giá để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng chứ không chỉ dựa trên kết quả tài chính.

Tăng sức cạnh tranh trong xu thế giảm phát thải

Nhận định về tình trạng suy giảm đơn hàng xuất khẩu xuất hiện ở cả những ngành thế mạnh của Việt Nam như may mặc, da giày… ông Vũ Chí Công, Quỹ đầu tư VinaCapital cho rằng, thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam mất nhiều hợp đồng vào tay các doanh nghiệp Băng-la-đét vì thực hiện ESG chậm hoặc không thực hiện ESG. Thực tế hiện nay cho thấy, việc thiếu hụt đáng kể nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm về ESG khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp bất lợi khi cạnh tranh trên thị trường.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư, ông Vũ Chí Công cho rằng, các doanh nghiệp và nhà đầu tư châu Âu muốn thiết lập quan hệ đối tác với các đối tác địa phương có cùng tầm nhìn về các giá trị bền vững lâu dài, có mức độ công bố thông tin cùng với tính minh bạch cao hơn. ESG sẽ trở thành một phần bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn nhận vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài và xuất khẩu sản phẩm của mình sang các quốc gia khác. Lấy ví dụ, Lego cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam và đòi hỏi đối tác tại Việt Nam phải triển khai thực hành ESG ở mức độ nhất định.

Bà Nguyễn Thị Thương Linh – Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, VCCI chia sẻ về xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn ESG trong doanh nghiệp tại Hội thảo vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2023.
Bà Nguyễn Thị Thương Linh – Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, VCCI chia sẻ về xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn ESG trong doanh nghiệp tại Hội thảo vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2023.

Theo bà Nguyễn Thị Thương Linh – Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, VCCI đã triển khai hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hành ESG trong 7 năm qua. Tuy nhiên, hằng năm, số doanh nghiệp được cấp chứng nhận chỉ đạt 7 – 8% số lượng đăng ký; số doanh nghiệp đăng ký mới cũng không nhiều, cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp với bộ tiêu chuẩn này chưa cao.

Biến đổi khí hậu và suy giảm kinh tế toàn cầu những năm gần đây cho thấy, doanh nghiệp phải coi đây là hướng đi mới và đầu tư nhiều hơn. Điều này thể hiện rõ nét ở Đồng bằng sông Cửu Long – khu vực chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu và GDP sụt giảm nghiêm trọng trong những năm gần đây. ESG đã trở thành con đường bắt buộc đối với các doanh nghiệp kinh doanh trực tiếp, gián tiếp với thị trường EU, cũng như nhiều thị trường lớn khác phải thực hành ESG. Đây có thể xem như con đường ngắn nhất để tăng cường năng lực cạnh tranh, thâm nhập các thị trường có giá trị thương mại cao – bà Nguyễn Thị Thương Linh nhấn mạnh.

Các chuyên gia nhận định, những yếu tố về môi trường càng được chú trọng khi Việt Nam và nhiều quốc gia đã cam kết sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng với ưu tiên trong các khuôn khổ hợp tác quốc tế ASEAN, APEC về kinh doanh bền vững, sản xuất xanh, vấn đề thuế các-bon… Việc thực hành ESG giúp doanh nghiệp chuẩn hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hàng loạt tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển bền vững, bao gồm: Kiểm soát rủi ro, kinh doanh liên tục, quản lý chuỗi cung ứng, tài sản doanh nghiệp, giám sát phát thải khí nhà kính, “dấu chân” các-bon trong quá trình sản phẩm tới tay người tiêu dùng...

Doanh nghiệp phải báo cáo được lượng phát thải khí nhà kính trực tiếp của mình và đưa ra những giải pháp giúp giảm phát thải trong phạm vi hoạt động. Điều này cũng phù hợp với định hướng của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính, không chỉ các doanh nghiệp có lượng phát thải lớn mà khuyến khích các doanh nghiệp đều công bố kế hoạch giảm phát thải của mình để có lộ trình hành động phù hợp.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và kinh doanh bao trùm

Nhằm xây dựng năng lực triển khai ESG cho khu vực tư nhân, trong giai đoạn 2023 – 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ triển khai Sáng kiến thúc đẩy thực hành khung đánh giá Môi trường, Xã hội, Quản trị (ESG) trong khu vực tư nhân. Các gói hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng nhiều yêu cầu phát triển bền vững của các thị trường xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh khan hiếm đơn hàng hiện nay, và hướng tới phát triển mô hình kinh doanh bền vững trong tương lai.

Riêng trong năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng USAID sẽ triển khai Sáng kiến ESG Việt Nam 2023. Sáng kiến này là một trong những nỗ lực góp phần thực hiện Quyết định 167/QĐ-TTg 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trinh hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững.

Tất cả các doanh nghiệp nộp hồ sơ tham gia và đáp ứng các tiêu chí của cuộc thi sẽ được tham gia đào tạo nâng cao hiểu biết về ESG, các công cụ đánh giá ESG từ góc nhìn của nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng, các thị trường xuất khẩu trọng tâm, và các quy định pháp luật liên quan. Chương trình cũng hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận các chương trình hỗ trợ của nhà nước, quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng, và các tổ chức khác.

Đoàn chuyên gia của Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 khảo sát Đánh giá xây dựng chiến lược thực hiện ESG tại Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng SECOIN.
Đoàn chuyên gia của Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 khảo sát Đánh giá xây dựng chiến lược thực hiện ESG tại Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng SECOIN.

Sáng kiến tập trung hỗ trợ doanh nghiệp có các cách tiếp cận và giải pháp loại bỏ lãng phí và ô nhiễm tại nguồn, theo quy định về mô hình kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Các doanh nghiệp có thể đổi mới sáng tạo trong bao bì, sản, dịch vụ và mô hình kinh doanh để tránh phát sinh lãng phí và ô nhiễm ở các khâu thiết kế, sản xuất, và xử lý chất thải thành tài nguyên. Điều này giúp giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Sáng kiến cũng hướng tới các mô hình kinh doanh bao trùm, huy động người thu nhập thấp tham gia trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; cung cấp hàng hóa, dịch vụ và sinh kế cho người thu nhập thấp có thể thương mại hóa và tạo ra các giá trị chia sẻ.

Top 3 doanh nghiệp giành chiến thắng chung cuộc sẽ nhận được gói hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chuyên sâu để thí điểm, triển khai hoặc nhân rộng các sáng kiến kinh doanh bền vững xuất sắc nhất.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hoạt động trong khuôn khổ Sáng kiến không chỉ nhằm giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao nhận thức hơn nữa về kinh doanh bền vững, mà còn góp phần tích cực triển khai các chính sách giải pháp của Chính phủ Việt Nam để đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, trong đó quy định một số yêu cầu về báo cáo ESG đối với các công ty đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán tại Việt Nam.

Cụ thể, các công ty đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán của Việt Nam phải công bố báo cáo ESG hàng năm của mình, bao gồm: phát thải khí nhà kính, quản lý nguồn nguyên liệu, tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, các chính sách liên quan đến người lao động, trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương, báo cáo liên quan đến hoạt động thị trường vốn xanh theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán nhà nước.