Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Bởi vậy, việc chủ động xây dựng phương án phòng chống, khắc phục hậu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra là một trong những nhiệm vụ quan trọng được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai trong mùa mưa bão năm nay.
Cán bộ Hạt quản lý đê Phổ Yên kiểm tra vật tư phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. |
Đại Từ là huyện miền núi có nhiều đồi núi và sông suối, đặc biệt có dãy núi Tam Đảo chắn ngang phía Tây của huyện tạo ra vùng tiểu khí hậu khác biệt. Trong mùa mưa, trên địa bàn thường xuyên có mưa lớn, kéo dài; sét, lốc xoáy cục bộ cộng với tình trạng sạt lở đất, đá ở các xã ven sườn đông dãy núi Tam Đảo, chân Núi Hồng, Núi Chúa.
Do ảnh hưởng của thiên tai, năm 2022, huyện Đại Từ đã có 14 nhà bị tốc mái, rạn nứt tường, sạt lở hơn 320m đường giao thông nông thôn, 181ha lúa bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về tài sản trên 16,3 tỷ đồng.
Theo ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ: trước mùa mưa bão, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN); đồng thời, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc công tác chuẩn bị ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
Cụ thể, huyện đã tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án PCTT; trong đó, đặc biệt chú ý đến các xóm, các điểm có nguy cơ xảy ra thiên tai cao; thống kê chi tiết dân cư cần phải sơ tán. Trong những ngày mưa kéo dài, huyện chỉ đạo các địa phương tổ chức cắm biển cảnh báo, lập barie tại các khu vực, các điểm nguy hiểm thường xuyên xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Cùng với đó, huyện cũng tăng cường tuyên truyền, thông tin về tình hình thiên tai qua hệ thống loa truyền thanh của Trung tâm Văn hóa, thể thao và Truyền thông huyện; sử dụng ứng dụng Zalo để tạo nhóm thông tin PCTT tới các xã, thị trấn nhằm tăng cường nắm bắt thông tin và kịp thời ứng phó với các tình huống thiên tai bất thường.
Đối với huyện Đồng Hỷ, trong năm 2022 đã có 3 người bị thiệt mạng do sạt lở đất làm đổ sập nhà tại xã Nam Hòa; 10 công trình giao thông bị sạt lở; 1 cầu xi măng ở xã Hợp Tiến bị cuốn trôi; nhiều nhà dân bị tốc mái; một số công trình khác như nhà văn hóa, trường học, chợ, tường rào... bị ảnh hưởng.
Bước vào mùa mưa bão năm nay, huyện Đồng Hỷ đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo công tác PCTT-TKCN theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; chỉ đạo rà soát điều chỉnh kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai phù hợp với tình hình diễn biến tại địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có nhiều công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp như: Cầu tràn Khe Mong, xã Văn Lăng, hồ Đồng Vung, xã Hòa Bình; hồ Chí Son, xã Nam Hòa. Ngoài ra, một số tuyến đường giao thông ở các xã: Tân Long, Văn Lăng, Cây Thị, Văn Hán... cũng thường xuyên bị sạt lở đất vào mùa mưa, có nguy cơ mất an toàn. Do vậy, huyện mong muốn UBND tỉnh, các sở ngành quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ bằng nguồn vốn quỹ PCTT và các nguồn vốn khác để sửa chữa kịp thời, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm nay.
Không chỉ riêng Đại Từ, Đồng Hỷ mà các địa phương khác trong tỉnh cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Có thể thấy, những năm gần đây, tình hình thời tiết, thiên tai ngày càng có những diễn biến bất thường, trái quy luật. Do có địa hình đồi núi dốc cộng với hệ thống sông suối nhiều nên khi có mưa lớn, nhiều địa phương miền núi trong tỉnh thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá và ngập úng ở vùng trũng thấp. Trong năm 2022, thiên tai đã gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân trong tỉnh gần 66,6 tỷ đồng.
Để chủ động phòng chống, ứng phó trong mùa mưa bão năm nay, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố rà soát, bổ sung, xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro trên toàn tỉnh. Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 177/177 xã, phường, thị trấn đã thành lập Đội xung kích phòng chống thiên tai với gần 13.000 thành viên.
Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng xây dựng và triển khai các chính sách phù hợp hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn xây dựng nhà ở, hướng tới cộng đồng an toàn trước thiên tai. Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, MTTQ tỉnh đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, vận động các nguồn lực hỗ trợ xây mới, sửa chữa trên 1.170 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo an toàn trước thiên tai.
Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, trong mùa mưa lũ, công tác tổ chức trực ban nghiêm túc tại Văn phòng Thường trực 24/24h nhằm thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin báo cáo và tham mưu lãnh đạo UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị chuyên môn kiểm tra, đánh giá tổng thể hiện trạng an toàn công trình thủy lợi; từ đó, tham mưu UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí sữa chữa các đập, hồ chứa nước xung yếu, tránh xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du. Đối với các địa phương vùng núi đã và đang tiến hành việc sắp xếp, di dời dân cư tại khu vực không bảo đảm an toàn ven sông, suối, nơi có nguy cơ cao xảy ra rủi ro.
Cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng và chính quyền địa phương, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, chủ động theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để có biện pháp chằng chống nhà cửa, bảo vệ sản xuất, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin