Lắng nghe tiếng suối chảy róc rách len qua các khe núi, được hòa mình vào dòng nước mát lành giữa trưa Hè oi ả hay thưởng thức các món ăn đậm hương vị núi rừng và ngắm những nương chè đang trổ búp xanh mơn mởn… là những trải nghiệm khó quên của du khách khi đến với Đại Từ. Điều này cũng lý giải vì sao thời gian gần đây, các điểm du lịch ở Đại Từ thu hút khá đông du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Một homestay ở Cửa Tử, xã Hoàng Nông (Đại Từ), thu hút khá đông khách du lịch trong dịp Hè. |
Vốn là vùng đất thuần nông với cây trồng mũi nhọn là chè, đến nay, nhờ biết tận dụng lợi thế của dòng suối Kẹm cùng những nương chè xanh ngút tầm mắt, xã La Bằng thu hút đông đảo khách du lịch từ khắp nơi. Du khách đến với La Bằng sẽ được thưởng thức đặc sản trà thơm ngon cùng các sản vật địa phương, cũng như thỏa mắt ngắm nhìn phong cảnh núi rừng trong lành, tươi đẹp.
Để đáp ứng nhu cầu của du khách, các cơ sở lưu trú như: Tân Sơn homestay, La Bằng homestay, cùng một số nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn về cá tầm, đặc sản địa phương được hình thành. Theo thống kê, trung bình mỗi năm, xã La Bằng đón trên 15.000 lượt du khách tham quan, trải nghiệm.
Ông Lê Văn Phương, chủ cơ sở Tân Sơn homestay, cho biết: Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2019, đúng thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nên phải đến mùa Hè năm nay, lượng khách của homestay mới ổn định. Bên cạnh đầu tư không gian quán sạch, đẹp, gần gũi với thiên nhiên, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến chất lượng món ăn. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đón trên 5.000 lượt khách. Khách lưu trú chủ yếu từ Hà Nội và một số tỉnh lân cận, giá phòng nghỉ là 500 nghìn đồng/phòng 2 người.
Nét chung của hầu hết các điểm du lịch sinh thái ở Đại Từ là đều nằm men theo sườn Đông của dãy núi Tam Đảo. Các địa điểm thu hút du khách thường xuyên, được nhiều bạn trẻ đánh giá, phản hồi liên tục trên các trang mạng xã hội phải kể đến như: Cửa Tử ở xã Hoàng Nông; hồ Vai Miếu ở xã Ký Phú; thác Đát Ngao ở xã Quân Chu; thác Bom Bom và ghềnh Tổ chim ở xã Mỹ Yên… Những dòng suối, thác nước ở Đại Từ vẫn giữ vẹn nguyên vẻ đẹp hoang sơ giữa đại ngàn tạo nên tạo được sức hút, hấp dẫn khách du lịch. Bên cạnh đó, các dịch vụ phục vụ du khách cũng ngày càng đa dạng, như: Ăn uống, nghỉ dưỡng tại nhà sàn, cắm trại, trekking (đi bộ/leo núi đường dài), ngâm chân lá thuốc của đồng bào dân tộc Dao, trải nghiệm hái chè, chế biến chè và thưởng trà…
Mức phí của các dịch vụ cũng đa dạng, tùy theo từng loại hình và địa điểm trải nghiệm. Đơn cử như chương trình trekking Cửa Tử theo nhóm có giá hơn 2,3 triệu đồng/người, bao gồm lưu trú tại homestay trong 2 đêm, các bữa ăn trong ngày, đồ bảo hộ cần thiết, phí hướng dẫn… Hay dịch vụ cắm trại qua đêm ở gần khu vực thác Đát Ngao có giá 1-1,2 triệu đồng/người, bao gồm ăn uống… Vào dịp cuối tuần, đặc biệt là trong kỳ nghỉ lễ, nhiều gia đình trong và ngoài tỉnh đã tìm đến các địa điểm nói trên để nghỉ ngơi, vui chơi.
Anh Lê Văn Đoàn, một du khách đến từ quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), chia sẻ: Tranh thủ thời gian các con nghỉ hè, tôi cùng 2 người bạn tổ chức cho đại gia đình gồm 15 người đi du lịch tại suối Kẹm, ở xã La Bằng và cắm trại tại ven hồ Núi Cốc. Quả thật, khí hậu và phong cảnh thiên nhiên ở đây rất tuyệt, bọn trẻ rất hào hứng do lần đầu được đến một nơi rộng rãi, nhiều cây cối, hoa lá như thế. Giá các dịch vụ cũng hợp lý, người dân nhiệt tình, mến khách. Chúng tôi sẽ trở lại đây thêm nhiều lần nữa và giới thiệu cho bạn bè, người thân trải nghiệm.
Theo thống kê, toàn huyện Đại Từ hiện có trên 80 cơ sở lưu trú với hơn 500 phòng nghỉ các loại. Các cơ sở lưu trú chủ yếu nằm dọc theo Quốc lộ 37 và gần khu du lịch hồ Núi Cốc, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, trải nghiệm đa dạng của du khách. Sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, từ khoảng giữa năm 2022 đến nay, các điểm tham quan, du lịch tại Đại Từ bắt đầu sôi động trở lại với nhiều lượt khách ghé thăm vào tất cả các ngày trong tuần, cao điểm là vào cuối tuần và kỳ nghỉ lễ.
Từ những tín hiệu phục hồi tích cực như trên, với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, huyện Đại Từ đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn. Trong đó, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh; du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa trà là 3 loại hình du lịch chính được tập trung xây dựng...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin