Kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội

Thu Hằng 17:48, 09/09/2022
 

Thực hiện chương trình giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, chiều 9-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đoàn Thị Hảo, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn có buổi khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), giai đoạn 2016-2021, tại BHXH tỉnh Thái Nguyên (ảnh).

Cùng dự có đồng chí Phạm Thái Hanh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành liên quan.

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, giai đoạn 2016-2021 có thêm 1.030 đơn vị sử dụng lao động, với số lao động tham gia BHXH bắt buộc tăng thêm là trên 16.300 người. Tính đến năm 2021, số người tham gia BHXH toàn tỉnh là trên 242 nghìn người (trong đó tham gia bắt buộc là trên 215 nghìn người, tham gia tự nguyện là trên 27 nghìn người), đạt tỷ lệ 40,5% tổng số lực lượng lao động. Cũng trong giai đoạn này có trên 1,6 triệu lượt người được thụ hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), với trên 26 tỷ đồng được chi trả.

Tuy nhiên, hiện nay, theo dữ liệu của cơ quan thuế, còn trên 790 đơn vị, với trên 9.200 lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc. Số hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần tăng. Cũng theo thống kê, số nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh đến năm 2021 là gần 54 tỷ đồng. Trong đó, nhiều đơn vị có số nợ lớn.

Tại buổi khảo sát, các đại biểu tập trung đánh giá, làm rõ tính kịp thời, sự phù hợp với thực tiễn trong ban hành chính sách, pháp luật, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Luật BHXH, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong công tác BHXH; khó khăn trong quản lý thu chi BHXH; giải pháp để thu hồi nợ đọng BHXH; đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, xử lý trong thực hiện các chính sách, pháp luật về BHXH.

Ngoài ra, một số nội dung khác cũng được các đại biểu quan tâm, đề nghị làm rõ, như: Việc đấu thầu và tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế trong danh mục được cấp, phát theo BHYT; vướng mắc trong thực hiện thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh giữa BHXH và các cơ sở khám, chữa bệnh; tình trạng lập khống hồ sơ bệnh án để quyết toán chế độ bảo hiểm…

Đồng chí Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Kết quả khảo sát tại BHXH tỉnh là cơ sở quan trọng để Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên báo cáo Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân được thụ hưởng đầy đủ các chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước.

Đồng chí đề nghị BHXH tỉnh và các cơ quan liên quan tiếp tục tổng hợp, đề xuất những nội dung còn bất cập, cần tháo gỡ, để Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, báo cáo; tăng cường phối hợp giữa BHXH tỉnh với Cục Thuế, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Y tế trong việc thực hiện chính sách BHXH; kịp thời báo cáo tỉnh kết quả thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là tình hình nợ BHXH...