Giải “bài toán” cấp thiết về vật liệu san lấp, kỳ 1: Linh hoạt trong tính giá

Nhóm P.V 17:59, 22/11/2022

Thiếu nguồn cung vật liệu san lấp mặt bằng và chênh lệch giữa khung giá đất của tỉnh quy định với giá thị trường quá xa đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án tại tỉnh. Tình trạng này nếu không kịp thời được giải quyết sẽ tác động trực tiếp đến quá trình thi công các dự án và môi trường đầu tư.

Giá đất san lấp tới công trình ở nơi cao nhất hiện đã lên đến 380 nghìn đồng/m3.
Giá đất san lấp tới công trình ở nơi cao nhất hiện đã lên đến 380 nghìn đồng/m3.

Yêu cầu bức thiết hiện nay là cơ quan chức năng của tỉnh cần quyết liệt trong việc thực hiện cấp phép mỏ đất san lấp mới; Giải quyết nhanh hồ sơ xin tận thu khối lượng đất dư thừa tại các công trình, dự án; Cho phép tận dụng nguồn vật liệu tại bãi thải của các mỏ khoáng sản, tro xỉ của nhà máy nhiệt điện trên địa bàn... nhằm tạo thêm nguồn vật liệu san lấp.

Trước những khó khăn của các chủ đầu tư và nhà thầu do nguồn cung cấp vật liệu san lấp mặt bằng thiếu, giá quy định thấp hơn 30-40% so với giá thị trường, UBND tỉnh đã yêu cầu liên Sở Tài chính - Xây dựng nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, linh hoạt trong việc xây dựng khung giá đất san lấp để hướng dẫn nhà thầu, chủ đầu tư các dự án đủ điều kiện nghiệm thu, thanh quyết toán theo quy định của pháp luật, đáp ứng cung - cầu của thị trường.

Hiện nay, giá đất san lấp ở ngoài thị trường đang tăng cao hơn từ 30-40% so với mức giá được cơ quan chức năng của tỉnh công bố và áp dụng đối với các dự án đầu tư công. Điều này khiến doanh nghiệp trúng thầu thi công một số dự án phải bù lỗ, xin tạm dừng thi công hoặc hủy hợp đồng, chịu phạt với chủ đầu tư.

Dự báo nguồn cung đất san lấp trên địa bàn tỉnh tăng theo từng năm nên Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Theo đó, Sở Xây dựng đã tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung quy hoạch thăm dò 63 mỏ và bổ sung quy hoạch khai thác 14 mỏ đất san lấp. Nếu số lượng các điểm mỏ trong quy hoạch, dự kiến bổ sung mà đồng loạt được cấp phép khai thác thì hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu đất san lấp trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, đến đầu quý IV/2022, trên địa bàn tỉnh có rất ít mỏ đất được cấp phép khai thác và duy trì hoạt động vì quy trình, thủ tục cấp phép mỏ đất san lấp phức tạp, mất nhiều thời gian. Cùng với đó, các nội dung trong công tác quy hoạch nói chung, quy hoạch mỏ đất nói riêng phải tích hợp, phù hợp với Quy hoạch chung của tỉnh Thái Nguyên để trình Chính phủ phê duyệt.

Do đó, các mỏ, điểm mỏ đất san lấp mới được các sở, ngành và UBND cấp huyện bổ sung phải chờ quy hoạch được Chính phủ duyệt thì chủ đầu tư mới có đủ cơ sở để tiến hành các thu tục pháp lý theo quy định. Như vậy, tình trạng khan hiếm đất san lấp sẽ có thể kéo dài đến cuối năm 2023.

Số mỏ đất san lấp được cấp phép và duy trì hoạt động khai thác trên địa bàn tỉnh còn ít so với nhu cầu thực tế.
Số mỏ đất san lấp được cấp phép và duy trì hoạt động khai thác trên địa bàn tỉnh còn ít so với nhu cầu thực tế.

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, đối với các dự án đang thi công, nếu ở gần mỏ đất thì nhà thầu có thể mua đất san lấp tại mỏ rồi thuê vận chuyển tới công trình với mức giá phù hợp, cơ bản đảm bảo tiến độ. Còn tại một số địa phương không có mỏ đất, như: Đại Từ, Phú Lương; Võ Nhai…, nhà thầu phải mua đất san lấp ở những mỏ cách 60-80km, nên chi phí vận chuyển tới chân công trình tăng gấp nhiều lần so với khung giá đất mà cơ quan chức năng ban hành.

Ông Lê Quang Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Định Hóa, chia sẻ: Hiện nay, huyện Định Hóa không có mỏ đất san lấp, nếu mua đất tại các mỏ ở TP. Phổ Yên, huyện Phú Bình, TP. Sông Công về đến chân công trình, giá đất lên đến 380 nghìn đồng/m3, còn theo mức giá liên Sở Tài chính - Xây dựng ban hành hiện tại thì giá đất san lấp về đến trung tâm huyện chỉ có 76 nghìn đồng/m3. Vì vậy, nhiều công trình trên địa bàn huyện phải tạm dừng hoặc kéo dài thời gian thi công, như: Chợ Bình Thành; Đường giao thông tổ dân phố Núi (thị trấn Chợ Chu)… do không có nguồn đất.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Từ tháng 10-2021, liên Sở Tài chính - Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành giá vật liệu san lấp trên cơ sở tính giá theo phương án về đến trung tâm các huyện, thành phố (mỗi địa phương có mức giá đất khác nhau). Thực tế giá đất tại các mỏ hiện nay tăng không nhiều, chủ yếu do giá cước vận tải tăng nên giá mua đất san lấp tại chân công trình bị đẩy lên cao. Đây là một bất cấp, nên đầu tháng này, liên Sở Tài chính - Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành giá đất san lấp được tính theo hình thức công bố giá đất tại các mỏ (các mỏ có mức giá khác nhau tuy theo từng địa điểm). Để từ đó, các chủ đầu tư và nhà thầu thi công lựa chọn mỏ đất gần nhất, có giá phù hợp và tính toán các chi phí để đưa ra mức giá mua đất tại chân công trình hợp lý nhất. Đặc biệt, việc công bố giá đất tại các mỏ đất sẽ được thực hiện theo từng tháng để các chủ đầu tư, nhà thầu nắm bắt thông tin; xây dựng kế hoạch thi công sát với yêu cầu.

Theo nhiều chủ đầu tư và nhà thầu, việc tỉnh siết chặt các hoạt động khai thác đất san lấp trái phép là cần thiết, vì như vậy sẽ thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, tạo sự minh bạch, cạnh tranh công bằng trong việc đấu thầu, thi công các công trình, dự án. Nhưng việc thiếu dự báo và sớm có giải pháp về nguồn vật liệu đã dẫn đến tình trạng khan hiếm đất san lấp và giá cao như hiện này.

Để giải quyết tình trạng này, căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất san lấp ở các địa phương, liên Sở Tài chính - Xây dựng cần phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện giải quyết đúng luật, nhanh chóng các hồ sơ xin tận thu đất dư thừa từ các công trình, dự án.

Về lâu dài, việc cấp mỏ đất mới trên cơ sở phân bố đều ở các địa phương trong tỉnh là giải pháp bền vững, giúp các chủ đầu tư, nhà thầu tính đúng, tính đủ giá đất san lấp để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án…

(Còn nữa)