Hiện nay, cơ quan chức năng đang tính giá đất vật liệu san lấp (đất san lấp) tại các dự án đầu tư công với mức không quá 84 nghìn/m3. Tuy nhiên, giá xăng, dầu tăng mạnh và số lượng mỏ, công suất khai thác còn ít đã khiến giá đất san lấp tăng cao hơn so với mức giá phê duyệt của Nhà nước từ 30-40%. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp phải bù lỗ hoặc bỏ cọc, tạm dừng thi công.
Do giá đất san lấp tăng cao và khan hiếm nên Dự án Khu tái định cư xã Huống Thượng (do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng TP. Thái Nguyên làm chủ đầu tư) đang bị chậm tiến độ. |
Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm dự án lớn, nhỏ đang triển khai nên nhu cầu sử dụng đất san lấp lên đến hàng triệu m3/năm. Theo các đơn vị thi công, giá đất san lấp do cơ quan Nhà nước tính đối với các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, mua tại công trình là không quá 84 nghìn đồng/m3.
Trước đây, định mức giá này là hợp lý, nhưng hiện tại, khi giá xăng, dầu tăng cao, giá đất san lấp cũng tăng từ 30-40%. Ông Trần Văn Sang, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Sang, xã Cù Vân (Đại Từ), chia sẻ: Doanh nghiệp chúng tôi chuyên về vận chuyển vật liệu xây dựng. Nếu như trước đây, giá cước vận chuyển hàng hóa khoảng 2 - 2,5 nghìn đồng/tấn/km (đối với xe 2-3 trục bánh) và khoảng 1,5-2 nghìn đồng/tấn/km đối với xe đầu kéo thì hiện nay là 3-4 nghìn đồng/tấn/km.
Bên cạnh đó, do nhu cầu đất san lấp ngày càng lớn nên giá vật liệu này cũng tăng mạnh. Ví dụ, những năm trước giá đất mua tại Mỏ đất núi Choẹt chỉ ở mức 35 nghìn đồng/m3 thì hiện nay là 40 - 45 nghìn đồng/m3. Chính vì vậy, giá đất mua tại công trình hiện lên đến 120-140 nghìn đồng/m3. Điều này khiến nhiều đơn vị thi công, chủ đầu tư dự án cần khối lượng đất lớn để san lấp gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Hoàng Gia Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Mấm, cho biết: Đơn vị đang thi công tuyến đường Đô thị động lực và Dự án Khu dân cư, tái định cư Huống Thượng. Trong đó, Dự án đường Đô thị động lực thực hiện điều phối đất san lấp (sử dụng nguồn tại chỗ). Còn Dự án xây dựng hạ tầng Khu dân cư, tái định cư Huống Thượng đang phải dừng do giá đất san lấp tăng chóng mặt. Trước đây, giá đất san lấp mua tại công trình chỉ 81 nghìn đồng/m3, giờ lên 120-130 nghìn đồng/m3.
Nhiều dự án khác trên địa bàn tỉnh cũng có chung tình trạng này, bởi hầu hết đều được phê duyệt giá đất san lấp mua tại công trình không quá 84 nghìn đồng/m3.
Ông Nguyễn Đức Lượng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng TP. Thái Nguyên, chia sẻ: Hiện nay, đơn vị được giao làm chủ đầu tư 3 dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư, tái định cư nhưng đều bị chậm tiến độ do nhà thầu không thể tìm được nguồn đất. Đặc biệt, giá đất san lấp thực tế đã tăng 40% nên một số nhà thầu phải tạm dừng thi công hoặc hủy hợp đồng chấp nhận chịu phạt. Một số nhà thầu đã thi công gần xong thì chấp nhận bù lỗ phần đất san lấp để hoàn thành dự án, còn những dự án khác bắt đầu triển khai phải xin tạm dừng.
Đại diện một đơn vị thi công xây dựng hạ tầng khu dân cư ở xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Dự án cần hơn 20 vạn m3 đất san lấp, với giá đất hiện nay, chúng tôi phải bù lỗ hơn 10 tỷ đồng so với giá đất được phê duyệt nên đành xin tạm dừng thi công.
Ông Nguyễn Thế Đại, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Bình Đại (Đại từ), cho biết: Hiện tại, trên địa bàn huyện Đại Từ chưa có mỏ đất san lấp nào nên phải mua từ các mỏ ở Đồng Hỷ, Phổ Yên, với khoảng cách hơn 50km nên về đến chân công trình giá đất tăng lên 150-160 nghìn đồng/m3. Bên cạnh đó, công suất khai thác của các mỏ thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. Đối với một số dự án gần xong, khối lượng đất san lấp cần còn ít, chúng tôi chấp nhận bù lỗ để hoàn thành.
Tình trạng thiếu nguồn và giá đất san lấp tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của nhiều dự án cũng như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Vì vậy, việc cấp phép thêm mỏ đất ở các địa phương, tăng công suất khai thác đối với các mỏ hiện tại và cấp phép cho sử dụng các nguồn đất thải đảm bảo chất lượng làm vật liệu san lấp sẽ là giải pháp hợp lý để giải quyết tình trạng này…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin