Khoảng 2 tuần qua, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận hơn 10 trường hợp bị tai nạn do pháo nổ. Tất cả các bệnh nhân đều là học sinh bậc THCS, THPT, nhập viện trong tình trạng bị bỏng hai mắt; dập nát các ngón tay, bàn tay; chấn thương phần mềm trên mặt, cơ thể… Theo các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, đây là tình trạng hết sức đáng báo động, cần được kiểm soát và ngăn chặn kịp thời để không ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập của con trẻ.
Bệnh nhân bị tai nạn pháo nổ dẫn đến bỏng mắt đang được điều trị tại Khoa Mắt, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. |
Ngày 28/12, cùng bác sĩ Khoa Mắt, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, đến thăm em T.M.Q, sinh năm 2007, ở phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên) đang điều trị tổn thương mắt do pháo nổ, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy khuôn mặt, toàn thân em đầy những vết thương, hai mắt tấy đỏ do bị bỏng, bị các mảnh vỡ bắn vào mắt...
Trước đó, chiều ngày 27/12, Q. nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi bị tai nạn pháo nổ. Qua những chia sẻ đứt quãng của Q. chúng tôi được biết, em đặt mua pháo trên một trang mạng, sau đó cho vào máy xay sinh tố để nghiền và chế pháo. Khi đang chạy, do nhiệt độ tăng nên thuốc pháo phát nổ làm các mảnh vỡ của máy xay sinh tố bắn lên mắt, mặt, người và làm tổn thương hai bàn tay, chân của Q.
Ngay khi nhập viện, em được các bác sĩ của Khoa Chấn thương – Chỉnh hình phẫu thuật, xử lý các thương tổn ở tay, chân rồi mới chuyển sang Khoa Mắt để điều trị đôi mắt.
Tương tự, em V.Đ.D, sinh năm 2009, xã Tân Khánh (Phú Bình), cũng bị tai nạn pháo nổ và được người thân đưa vào viện chiều 26/12. Trước đó, em D. đã xin thuốc pháo của bạn về, cho vào ống nhựa rồi tự chế thành pháo. Em bị dập nát bàn tay hai bên, đa vết thương phần mềm khi quả pháo tự chế nổ ngay trên tay.
Chị C.T.N, mẹ của em D., cho biết: Mặc dù đã bị nghiêm cấm nhưng do đang tuổi nghịch ngợm nên cháu vẫn lén chế pháo nổ. Tôi rất đau lòng, mong các phụ huynh giám sát chặt chẽ con em mình để không xảy ra sự việc đáng tiếc như gia đình tôi…
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Dung, Trưởng Khoa Chấn thương - Chỉnh hình (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), cho hay: Các trường hợp nhập viện đều bị nặng, có các thương tích ở bàn tay, dập nát tay, đa tổn thương. Cá biệt, có trường hợp bị bỏng cả hai mắt, nguy cơ hồi phục khó có thể tiên lượng được... Đáng nói, bệnh nhân đều có các mạch tổn thương phức tạp, nguy cơ nhiễm khuẩn cao, hỏng mắt, mất bàn tay. Sau phẫu thuật thì vẫn bị cứng khớp ảnh hưởng đến vấn động, lao động sản xuất và thẩm mỹ suốt đời…
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Dung, Trưởng Khoa Chấn thương - Chỉnh hình (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) tái khám cho bệnh nhân bị tai nạn pháo nổ sau phẫu thuật. |
Tai nạn thương tích do pháo nổ là câu chuyện không mới nhưng chưa cũ. Hằng năm, tình trạng tai nạn do pháo nổ tại Thái Nguyên vẫn tiếp diễn và độ tuổi của nạn nhân ngày càng trẻ.
Theo các bác sĩ Khoa Chấn thương, Chỉnh hình, chỉ riêng trong đêm Giao thừa năm 2022, Khoa đã tiếp nhận, phẫu thuật cho hơn 10 trường hợp bị tai nạn do pháo nổ. Bác sĩ khuyến cáo học sinh, người dân tuyệt đối không được tự chế, sử dụng pháo nổ để dẫn đến những tai nạn thương tâm.
Chỉ còn hơn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2023. Thời điểm này, học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đang tập trung ôn tập và thi học kỳ I. Học sinh không may bị tai nạn thương tích do pháo nổ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm gián đoạn việc học tập của các em.
Bởi vậy, bên cạnh việc giám sát chặt chẽ hơn nữa của các bậc phụ huynh, các trường học cũng cần tăng cường tuyên truyền để học sinh không sử dụng hoặc mua thuốc nổ, pháo về tự chế các loại pháo gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.
Các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an cần vào cuộc điều tra, xác minh rõ nguồn gốc cung cấp pháo nổ cho học sinh để có biện pháp ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn bán pháo nổ trái phép.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin