Sau hơn 1 năm triển khai chủ trương của tỉnh về việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, đến nay, toàn tỉnh đã có 558 hộ ngừng hoạt động chăn nuôi trong nội thành, khu dân cư. Song song với đó, chính quyền các địa phương cũng tổ chức tuyên truyền, quán triệt Luật Chăn nuôi và các văn bản liên quan để người dân hiểu và đồng thuận chấp hành, góp phần xây dựng đô thị văn minh, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Một cơ sở chăn nuôi tại phường Hương Sơn (TP. Thái Nguyên). |
Việc chăn nuôi ở khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư thường gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tác động không tốt đến sự phát triển của đô thị.
Do vậy, việc HĐND tỉnh ra Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi ngừng hoạt động hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Chính quyền các địa phương và ngành chức năng cũng đã tích cực vào cuộc triển khai. Theo đó, các huyện, thành phố đã tổ chức tuyên truyền, triển khai cho các cơ sở chăn nuôi ký cam kết, xây dựng phương án thực hiện ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trong thời gian quy định; tuyên truyền, quán triệt Luật Chăn nuôi và các văn bản liên quan.
Chị Hoàng Thị Hoa, một người dân ở phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Tôi thấy việc di dời các hộ chăn nuôi trong khu dân cư là việc làm cần thiết, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và hướng tới chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 của HĐND tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã có 558 hộ thực hiện ký cam kết với UBND cấp xã và ngừng hoạt động chăn nuôi.
Trong đó, TP. Sông Công có 255 hộ; TP. Phổ Yên 15 hộ; TP. Thái Nguyên 247 hộ; huyện Định Hóa 16 hộ; huyện Đại Từ 25 hộ, với tổng đàn vật nuôi là gần 540 con lợn, gần 6.600 con gia cầm; 35 con trâu, bò.
Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng thực hiện cấm hoạt động chăn nuôi tại các phường: Đồng Quang, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ và Trưng Vương (TP. Thái Nguyên); 10 tổ dân phố ở phường Mỏ Chè (TP. Sông Công); 8 tổ dân phố ở các phường: Đồng Tiến, Ba Hàng, Bãi Bông (TP. Phổ Yên); 5 tổ dân phố ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) và 4 tổ dân phố ở thị trấn Chợ Chu (Định Hoá).
Để hỗ trợ người dân, hiện nay, các địa phương đang từng bước thực hiện chính sách hỗ trợ theo Hướng dẫn số 2457/HDLN-TC-NN ngày 08/7/2022 của liên ngành Tài chính - Nông nghiệp về trình tự, thủ tục, hồ sơ hỗ trợ cho chủ cơ sở chăn nuôi khi ngừng hoạt động hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn.
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, thời gian qua, đơn vị đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các huyện, thành phố tổ chức rà soát, thống kê các phường, thị trấn, khu dân cư đạt tiêu chí. Đồng thời đôn đốc các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết theo nôi dung chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp - PTNT, Sở Tài chính; hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ hỗ trợ cho chủ cơ sở chăn nuôi khi ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đơn vị cũng đề nghị các huyện, thành phố thành lập đoàn kiểm tra đánh giá, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết tại các phường, xã, khu vực không được phép chăn nuôi.
Được biết, trong năm 2023, ngành chức năng sẽ tiếp tục đề xuất, trình UBND tỉnh ban hành quyết định cấm chăn nuôi tại 36 tổ dân phố của 5 phường trên địa bàn TP. Thái Nguyên là: Quan Triều, Quang Vinh, Tân Long, Gia Sàng và Hương Sơn. Đa số các hộ chăn nuôi ở các khu vực nói trên đều mong muốn được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề để bảo đảm cuộc sống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin