“Đường lớn”, đường mới ở đây có thể hiểu là một năm mới với niềm tin, khí thế và tiềm lực mới, một nửa nhiệm kỳ mới trước mắt; một giai đoạn phát triển mới khi kinh tế Thái Nguyên cùng cả nước phục hồi rõ nét và lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch COVID-19; một định hướng và quyết tâm mới để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị; theo nghĩa đen có thể kể đến những tuyến đường giao thông trọng điểm mới đã và đang được hình thành, tạo xung lực mới, dư địa mới cho sự phát triển của tỉnh…
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu thăm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) TP. Sông Công. |
Khép lại năm 2022, nền kinh tế Việt Nam cho thấy sự phục hồi rõ nét qua chỉ số tăng trưởng GDP khá ấn tượng là 8,02%, theo Tổng cục Thống kê thì đây là mức tăng cao nhất tính từ năm 2011. Trong “dòng chảy” đang dần sôi động trở lại của kinh tế đất nước thời hậu COVID-19, kinh tế Thái Nguyên năm 2022 cũng đang trên đà phục hồi khá nhanh với mức tăng trưởng gần 9%, ngày càng khẳng định rõ vị thế của một trung tâm vùng, một cực tăng trưởng ở phía Bắc.
Kết tinh của trí tuệ và những giọt mồ hôi
Sự tin tưởng, đồng thuận, sẻ chia của Nhân dân, sự đồng lòng, nỗ lực, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng để Thái Nguyên đạt được nhiều thành tựu trên mọi mặt. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải |
Nhìn lại thành tựu năm 2022 và nửa nhiệm kỳ đã qua có nhiều điểm nhấn rất đáng lạc quan, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải khẳng định: Trước tiên là từ sự đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, linh hoạt của tập thể cấp ủy, chính quyền tỉnh trong chỉ đạo, điều hành triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp.
“Điều kiện cần” này được phát huy tốt trên nền tảng rất quan trọng là sự tin tưởng, đồng thuận, sẻ chia của Nhân dân, sự đồng lòng, nỗ lực, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp. Đằng sau kết quả đó là những giọt mồ hôi, có thể là cả những giọt nước mắt của mỗi người dân Thái Nguyên.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, kiểm tra Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc, đoạn đi qua huyện Đại Từ. Ảnh: Lăng Khoa |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020 – 2025) xác định mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030; xác định 15 nhóm chỉ tiêu chủ yếu, 5 định hướng lớn và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.
Từ đó, Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng và tập trung triển khai hiệu quả 12 chương trình, 32 đề án và 21 kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, như: Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; các đề án cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh… Tập trung phát triển hạ tầng khu vực phía Nam tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp để đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Việc sớm cụ thể hóa Nghị quyết nhiệm kỳ thành các chương trình, đề án, giải pháp; tinh thần đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm của Thái Nguyên được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy đầu tháng 10/2022. Điều đó giúp Thái Nguyên đạt được những kết quả toàn diện, giải quyết được những “điểm nghẽn” mà nhiều tỉnh, thành phố đang gặp phải, nhất là về giải ngân vốn đầu tư công.
Điều đáng nói là trong bối cảnh chung của cả nước, nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ tỉnh bắt đầu khi dịch COVID-19 đang “hoành hành” dữ dội. Đó là một thử thách rất lớn cho tập thể lãnh đạo tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Thái Nguyên.
Bằng sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt và tinh thần quyết liệt của lãnh đạo tỉnh; những chỉ thị, nghị quyết sát thực tế; sự đồng hành tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân, Thái Nguyên trở thành một điển hình thực hiện thành công “mục tiêu kép” – vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt trên 932 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2021. |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh từ năm 2020 đến nay đều cao hơn mức trung bình của cả nước; thu hút FDI vẫn là một điểm sáng, giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của Thái Nguyên vững vàng trong tốp 5; trong khi an sinh xã hội luôn được đảm bảo…
Vinh dự và thách thức mới
Dành thời gian trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên dịp cận Tết Nguyên đán Quý Mão, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải chia sẻ về những định hướng, quan điểm chỉ đạo, những kỳ vọng vào năm mới 2023 cũng như cả nhiệm kỳ này. Trước hết là nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết thống nhất, bám sát thực tiễn, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; tạo cơ chế đột phá và những động lực tăng trưởng mới; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, ưu tiên nguồn lực cho các công trình trọng điểm; đồng thời thực hiện tốt công tác an sinh xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển… Muốn vậy thì vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu luôn phải được đề cao, đạo đức công vụ và tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức phải không ngừng nâng lên.
Phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. |
Muốn tỉnh mạnh thì phát triển công nghiệp, muốn dân giàu thì phát triển thương mại – dịch vụ, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh và ngược lại. Đây là quan điểm được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh khẳng định tại nhiều diễn đàn, trong nhiều cuộc tiếp nhà đầu tư, cuộc họp nhằm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và tiếp xúc cử tri. Và thực tiễn đã chứng minh điều đó.
Thái Nguyên đang tập trung cao độ phát triển tiềm năng về công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo (giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh hiện đứng thứ 4 cả nước), đồng thời tích cực thu hút đầu tư và triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy thương mại – dịch vụ, đô thị hóa… nhằm nâng cao đời sống mọi mặt của người dân. Về vấn đề này thì sự phát triển của TP. Phổ Yên nói riêng, khu vực phía Nam tỉnh nói chung trong thời gian gần đây là một ví dụ sinh động.
Những công trình được đầu tư gần đây làm thay đổi diện mạo Thái Nguyên - thành phố bên sông Cầu. |
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 11-NQ/TW), nêu rõ vị trí, vai trò của tỉnh nói chung, của TP. Thái Nguyên nói riêng là trung tâm của nhiều lĩnh vực, trong đó có công nghiệp điện tử. Sự phát triển của Thái Nguyên sẽ tạo tính lan tỏa cho các tỉnh lân cận, nhất là những địa phương khó khăn hơn như Bắc Kạn, Tuyên Quang…
Theo Nghị quyết số 11-NQ/TW, Thái Nguyên được xác định là một trong những cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng; cùng với tỉnh Bắc Giang là những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao. Vì vậy, việc Thái Nguyên thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết sẽ là động lực cho cả vùng. |
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định đó là vinh dự, là trọng trách nhưng cũng là thử thách với Thái Nguyên. Với tiềm năng, lợi thế và nền tảng được xây đắp từ chặng đường dài đã qua, đặc biệt là sự nỗ lực, khát vọng lớn của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp và từng người dân, Thái Nguyên tự tin tiếp tục gặt hái được những thành công lớn hơn nữa, xứng đáng với vị thế của một trung tâm vùng; trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Tôi tin tưởng, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, với nỗ lực và khát vọng lớn, toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ nhân lên niềm tin, sự đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương Thái Nguyên ngày càng giàu mạnh, bình yên, sung túc, hạnh phúc và phát triển. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin