Với một tỷ lệ lớn hộ dân có con, cháu trong độ tuổi đến trường nên học phí luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm của xã hội, việc đóng góp học phí cũng phần nào tác động đến chi tiêu của nhiều gia đình. Chính vì thế, từ nhiều năm qua, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã lựa chọn ban hành nghị quyết quy định mức thu học phí cụ thể theo từng năm học, được xác định ở mức trung bình thấp của khung học phí do Chính phủ quy định. Nhờ đó luôn nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân.
Mức thu học phí theo lộ trình tăng theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP đã được đưa ra thảo luận tại các phiên thẩm tra, tại kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh tháng 7-2022. |
Trước đây, việc quy định mức thu học phí được tỉnh thực hiện theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ. Từ năm học 2022-2023, mức thu học phí đã được thực hiện theo lộ trình tăng học phí của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Theo Nghị định này, mức thu phải đảm bảo không thấp hơn “mức sàn” và không vượt “mức trần” theo khung học phí do Chính phủ quy định. Điều này đồng nghĩa, học phí của một số cấp học tăng đáng kể.
Theo đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Lẽ ra, theo kế hoạch, Nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 đã được HĐND tỉnh Thái Nguyên thảo luận và quyết nghị tại kỳ họp thường lệ tháng 7-2022. Tuy nhiên, sau khi phân tích, đánh giá tác động của Nghị quyết, ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh tại các phiên thẩm tra, UBND tỉnh đã quyết định trình HĐND tỉnh vào thời điểm thích hợp. Ngày 29/8/2022 (trước ngày khai giảng năm học mới 2022-2023 một tuần), HĐND tỉnh tổ chức Kỳ họp chuyên đề và nội dung này đã được đưa vào thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết (Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2022-2023 thuộc tỉnh Thái Nguyên). Theo đó, mức thu học phí được quy định bằng mức tối thiểu của khung học phí do Chính phủ quy định tại Khoản 2, Điều 9 của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Đồng thời quy định cụ thể, các cơ sở giáo dục chỉ được thu học phí theo tháng để chờ chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan.
Sau gần 4 tháng triển khai thực hiện, ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập theo tinh thần “Giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 do HĐND tỉnh đã ban hành áp dụng tại địa phương. Trường hợp địa phương tăng học phí năm học 2022-2023 thì ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm học 2021-2022. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định”…
Ngay sau khi Nghị quyết số 165/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực, mặc dù chưa có văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và các ban của HĐND tỉnh Thái Nguyên đã tích cực, chủ động, tổ chức nhiều cuộc họp, thống nhất các phương án triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết, đảm bảo đúng nguyên tắc áp dụng pháp luật, đúng chỉ đạo của Chính phủ và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Dự kiến, sau Kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra ngày 24/3/2023, mức thu học phí tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc tỉnh quản lý sẽ bằng năm học 2021-2022 (ảnh minh họa). |
Trên cơ sở Văn bản số 1441/BTC-HCSN ngày 16/02/2023 của Bộ Tài chính, ngày 23/02/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Văn bản số 694/BGDĐT-KHTC về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-CP. Trong đó nêu rõ: “Trường hợp HĐND tỉnh đã ban hành mức thu học phí năm học 2022-2023 cao hơn mức thu học phí năm học 2021-2022 thì đề nghị địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện thu học phí đối với học sinh bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 (hoàn trả phần chênh lệch thu cao hơn cho học sinh hoặc giảm trừ vào kỳ thu học phí tiếp theo)”.
Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị liên quan tham mưu bố trí ngân sách địa phương để đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm học 2021-2022 cho các cơ sở giáo dục.
Ngày 24/02/2023, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Văn bản số 45/HĐND-VP chấp thuận đề xuất xây dựng Nghị quyết hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập thuộc tỉnh quản lý để thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022, theo trình tự thủ tục rút gọn.
Tổng kinh phí hỗ trợ, theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, xấp xỉ 188 tỷ đồng, để thực hiện hoàn trả cho người học phần chênh lệch học phí đã thu năm học 2022-2023 so với mức thu học phí năm học 2021-2022, đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Đến thời điểm này, hồ sơ trình dự thảo Nghị quyết cơ bản đã hoàn thành theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn của các bộ, ngành.
Dự kiến, Nghị quyết sẽ được HĐND tỉnh thảo luận, quyết nghị tại Kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề), dự kiến diễn ra ngày 24/3/2023 và có hiệu lực ngay. Như vậy, tỉnh Thái Nguyên sẽ là một trong những địa phương đầu tiên (hiện có tỉnh Long An và Trà Vinh) ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ.
Có thể nói, việc thực hiện quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo của tỉnh Thái Nguyên luôn được thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; áp dụng theo hướng tốt nhất nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin