Là người được nhân dân tin tưởng, những năm qua, hơn 800 người có uy tín ở Thái Nguyên đã trở thành “cầu nối” đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần không nhỏ củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...
Cuối năm 2022, ông Triệu Văn Hồng, người có uy tín ở xóm Khâu Giáo 2, xã Bản Ngoại (Đại Từ) đã tích cực vận động bà con hiến đất và đóng góp kinh phí để mở rộng đường trục xóm từ 3,5m lên 4,5m. Ảnh: Vũ Công |
Đi đầu trong mọi phong trào
Ông Hoàng Phong, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 30% dân số của tỉnh và trong các xóm bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vai trò của người có uy tín rất quan trọng. Những người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được nhân dân tin tưởng, bầu chọn đều gương mẫu, luôn đi đầu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt họ là những người chịu khó nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm và biết cách tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không những làm giàu cho bản thân, gia đình, những người có uy tín còn tích cực giúp đỡ, hướng dẫn nhiều người trong xóm, dòng họ biết cách làm ăn để vươn lên làm giàu chính đáng.
Điển hình như ông Lê Văn Lợi, dân tộc Sán Dìu, Trưởng xóm Vạn Phú, xã Thành Công, (TP. Phổ Yên). Ông đã tích cực vận động hơn 30 hộ dân của xóm hiến trên 5.000m2 đất để địa phương mở rộng đường giao thông.
Hay như ông Lã Văn Dần, dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ xóm Đầu Cầu, xã Đức Lương (Đại Từ), luôn trăn trở với suy nghĩ làm sao để đời sống bà con được nâng cao. Bởi vậy, ông đã vận động đồng bào trong xóm tập trung thâm canh 6ha chè, đưa chè trở thành cây trồng chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao ở địa phương. Đồng thời, đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất chè, nâng cao chất lượng sản phẩm… Nhờ đó, hết năm 2022, đời sống của 73 hộ dân xóm Đầu Cầu đã được cải thiện đáng kể, hàng chục hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm một nửa so với năm trước…
Tích cực tham gia công tác tuyên truyền
Không chỉ đi đầu trong mọi phong trào, những người có uy tín còn tích cực tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật và các chủ trương của Đảng. Đặc biệt là tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, tài sản trên đất để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa; tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Minh Hiến, người có uy tín ở xóm Ó, xã Yên Lạc (Phú Lương) trao đổi với người dân về kỹ thuật chăn nuôi trâu. Ảnh: Vũ Công. |
Theo đó, nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp được duy trì, phát huy, như: Lễ cấp sắc của dân tộc Dao, Sán Dìu; Lễ sinh nhật cho người cao tuổi của dân tộc Nùng; hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu...; hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian, món ăn truyền thống được khôi phục; đồng thời loại bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, bà con cùng nhau thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang.
Anh Hầu Văn Thành, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản người Mông Lân Vai, xã Dân Tiến (Võ Nhai), cho biết: Được người có uy tín tuyên truyền, vận động, người Mông ở Dân Tiến đã loại bỏ các hủ tục mê tín, dị đoan, nhất là bài trừ việc mời thầy cúng về nhà chữa bệnh…
Luôn là người đại diện đáng tin cậy của nhân dân, người có uy tín ở Thái Nguyên đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Qua các đợt tiếp xúc giữa cử tri và đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, những người có uy tín đã nhiều lần phản ánh tâm tư, nguyện vọng của bà con, cũng như đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở. Đồng thời, tham gia hòa giải thành công nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; vận động bà con không nghe, không tin và không theo các tổ chức bất hợp pháp, tà đạo để tiến tới xóa bỏ ảnh hưởng của các tổ chức này trên địa bàn tỉnh.
Những năm trở lại đây, bộ mặt vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã có những thay đổi tích cực, trong đó có sự góp phần không nhỏ của người có uy tín. Đến nay, Thái Nguyên chỉ còn 14 xã khu vực III và 50 xóm đặc biệt khó khăn (năm 2017 là 36 xã và 358 xóm); tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm; 100% tuyến đường từ xóm đến trung tâm các xã miền núi được cứng hóa…
Từ thực tế có thể thấy, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thực sự là "cầu nối" quan trọng, chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội... Họ thực sự là “trụ cột”, điểm tựa tinh thần trong cộng đồng dân cư ở các bản làng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin