Ngành Y tế đi tìm… bác sĩ, kỳ I: Khó tuyển dụng và nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực

Nhóm P.V 19:12, 31/03/2023

Thái Nguyên hiện có 12 bệnh viện tuyến tỉnh hệ công lập, 24 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện và tương đương (trong đó có 13 cơ sở tư nhân), 178 trạm y tế tuyến xã. Ngành Y tế của tỉnh đang rơi vào tình trạng không tuyển được bác sĩ dẫn đến thiếu nguồn nhân lực ở một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh; cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện, xã. Theo đó, nhiều chuyên ngành vẫn đang thiếu bác sĩ …

Y sĩ Trạm Y tế xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) khám bệnh cho người dân.
Y sĩ Trạm Y tế xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) khám bệnh cho người dân.

Thiếu bác sĩ ở bệnh viện chuyên khoa và tuyến cơ sở

Một trong những cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh thiếu bác sĩ nhất là Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Thái Nguyên. Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Bệnh viện, cho biết: Năm 2022, chúng tôi khám, chữa bệnh cho khoảng 5.000 lượt người, trong đó điều trị cho khoảng 1.700 lượt bệnh nhân nội trú; khám, điều trị ngoại trú tại cộng đồng cho hơn 3.000 bệnh nhân. Trong khi đó, Bệnh viện chỉ có 23 bác sĩ nên thường xuyên phải làm việc trong tình trạng quá tải. Hiện, Bệnh viện cần thêm 9 bác sĩ, nhưng 5 năm trở lại đây, chúng tôi hầu như không tuyển dụng được bác sĩ đa khoa chính quy. Thiếu chính sách thỏa đáng trong thu hút cán bộ chuyên khoa tâm thần, trong khi việc làm mang tính chất đặc thù nguy hiểm cao chính là những nguyên nhân khiến việc tuyển dụng bác sĩ của đơn vị gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, tại Bệnh viện Phổi Thái Nguyên, nhiều năm qua, nguồn nhân lực cũng vô cùng thiếu, nhất là ở khu vực hồi sức cấp cứu. Hiện, Bệnh viện này mới có 2 bác sĩ CKI chuyên ngành hồi sức cấp cứu. Trong suốt thời gian qua, Bệnh viện vẫn vận hành trong tình trạng thiếu bác sĩ và mới chấm dứt khi vừa tuyển dụng được thêm 9 bác sĩ vừa tốt nghiệp, nâng tổng số bác sĩ lên gần 50 người.

Bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện Phổi Thái Nguyên, chia sẻ: Để nâng cao tay nghề cho các bác sĩ mới tuyển dụng, chúng tôi phải tạo điều kiện để họ đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Trong quá trình họ đi học, các bác sĩ khác vẫn phải làm thay phần việc của những người vừa được tuyển mới… Hơn nữa, theo quy định, phải 18 tháng sau, các bác sĩ này mới được cấp chứng chỉ hành nghề nên hoạt động khám, chữa bệnh của đơn vị vẫn bị hạn chế.

 

Tại các cơ sở y tế tuyến huyện, tình trạng thiếu bác sĩ cũng đang diễn ra, nhất là đối với chuyên ngành tâm thần, da liễu, hồi sức tích cực. Đơn cử như Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ hiện có 49 bác sĩ, trong đó có 25 người ở hệ điều trị và 10 bác sĩ tuyến xã. Đơn vị chưa có các bác sĩ chuyên khoa I tâm thần, lao, da liễu và vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 10 bác sĩ hệ điều trị và 6 bác sĩ tuyến xã, nhưng vẫn chưa thu hút được nguồn nhân lực.

Đáng nói, dù được đánh giá là tỉnh có số bác sĩ về công tác tại tuyến xã đạt khá cao, nhưng Thái Nguyên chỉ có trên 150 trong tổng số 178 trạm y tế có bác sĩ. Việc thiếu hụt nguồn bác sĩ tuyến xã còn trở nên báo động hơn khi hiện nay một số trường cao đẳng y tế trong nước không còn đào tạo chuyên ngành y sĩ. Trong khi đó, nhiều người đã có bằng y sĩ từ những năm 1990, 2000 do tuổi cao hoặc do thời gian học bác sĩ chuyên tu kéo dài (6 năm), học phí cao (vài trăm triệu đồng) nên không còn thiết tha học lên cao nữa.

Bác sĩ CKI Long Thị Mến, Trưởng Phòng Kế hoạch, Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ, cho rằng: Tuyển bác sĩ cho cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện đã khó, ở tuyến xã còn khó hơn. Trước đây, thời gian học chuyên tu từ y sĩ lên bác sĩ ngắn hơn (3 năm), học phí thấp hơn nên nhiều người đã mạnh dạn đăng ký đi học. Khi thời gian học và học phí đều tăng, nhiều y sĩ đã từ bỏ ý định học lên cao.

Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ luôn tạo điều kiện cho bác sĩ đi học tập nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ luôn tạo điều kiện cho bác sĩ đi học tập nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Chưa đảm bảo kết cấu ngành

Theo thống kê của Sở Y tế, hiện toàn Ngành có trên 4.400 cán bộ y tế, trong đó có hơn 2.000 bác sĩ hoạt động ở các cơ sở y tế công lập. Số bác sĩ ở một số chuyên khoa như lao, hồi sức tích cực, tâm thần… chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Hiện, toàn tỉnh mới có 14 bác sĩ được đào tạo chuyên khoa về lao, 52 bác sĩ hồi sức tích cực; 22 bác sĩ tâm thần… Theo đó, số bác sĩ còn thiếu tại các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã và các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa tuyến tỉnh lên đến gần 100 người.

 

Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế: Việc thiếu hụt bác sĩ đang gây nhiều khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh và tuyến y tế cơ sở.

Trao đổi với một số bác sĩ, chúng tôi được biết, hiện mức lương của các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trong tỉnh được tính theo bậc (tương đương với thâm niên công tác cống hiến). Có những bác sĩ vào nghề hơn 20 năm, là trưởng khoa ở một bệnh viện hạng II của tỉnh, tổng thu nhập mới được hơn 10 triệu đồng/tháng. Các bác sĩ trẻ mới ra trường, lương thấp hơn rất nhiều. Sau 6 năm miệt mài học tập, khi được tuyển dụng vào các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, họ được trả mức lương bậc 1, hệ số 2,34 nhân với lương cơ bản (chưa được 4 triệu đồng/tháng).

Nếu bệnh viện hoạt động ổn định, số bệnh nhân đến khám, điều trị nhiều hoặc có chiều hướng tăng lên, nhân viên y tế còn có thêm thu nhập. Trong trường hợp lượng bệnh nhân đến khám ít, không đảm bảo kế hoạch, nguồn thu nhập của cán bộ y tế ít ỏi. Tại một số cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh, có những năm tổ chức tuyển bác sĩ nhưng không đủ chỉ tiêu so với nhu cầu. Đơn cử như Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ, năm 2022, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng 10 bác sĩ nhưng chỉ tuyển được 4 chỉ tiêu.

Em Hà Quy Anh, tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), hiện là sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết: Khi ra trường, em tìm kiếm cơ hội việc làm tại các bệnh viện ở Hà Nội chứ không có ý định về Thái Nguyên do mức lương tại các cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh đang quá thấp so với những khó khăn, vất vả mà em đã phải trải qua và chi phí gia đình phải bỏ ra để em ăn học trong suốt 6 năm.

 

Thạc sĩ, bác sĩ Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ: Chúng tôi rất lo ngại khi các bác sĩ (hệ chuyện tu) ở tuyến xã đủ tuổi nghỉ chế độ sẽ không có lớp kế cận vì bác sĩ trẻ, mới ra trường đang có nhiều cơ hội việc làm nên không chấp nhận về tuyến xã công tác do các chính sách đãi ngộ còn thấp…

Từ thực tế cho thấy, việc thiếu bác sĩ, nhất là những bác sĩ ở một số chuyên ngành và tuyến cơ sở như vừa nêu trên đã dẫn đến tình trạng quá tải, bác sĩ phải làm việc quá sức. Nếu đủ nhân lực, mỗi bác sĩ chỉ phải trực 1 đêm/tuần nhưng do thiếu nhân lực nên một người đang phải làm thay phần việc của 2, 3 người.

Khi nguồn nhân lực bị thiếu hụt, chất lượng khám, chữa bệnh cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Khó khăn nhất là ở tuyến xã, việc khám, chữa bệnh cho người dân bị hạn chế. Y sĩ Lâm Xuân Hiền, phụ trách Trạm Y tế xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), nói: Hơn 5 năm nay Trạm không có bác sĩ. Do quyền chỉ định trong điều trị cho người bệnh của y sĩ và bác sĩ khác nhau nên việc khám, chữa bệnh tại địa phương gặp nhiều trở ngại. Trong hoạt động chuyên môn, y sĩ chỉ được khám, chữa các loại bệnh thông thường như cảm cúm, tiêu chảy… chứ không được phép kê thuốc cho một số loại bệnh đặc biệt như tâm thần kinh hoặc sử dụng các loại thiết bị y tế như bác sĩ nên có những loại thiết bị ít được dùng…

(Còn nữa)