Gắp bỏ thành công dị vật khó trong phế quản bệnh nhân

Minh Tâm (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) 11:37, 29/03/2023

Bệnh nhân Lường Văn H., 42 tuổi, ở xã Phú Đình (Định Hóa) vừa được các y, bác sĩ Khoa Hô hấp (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) gắp bỏ thành công dị vật là vỏ cây với kích thước 2x3cm trong phế quản. Sau khi gắp bỏ dị vật, đường thở được hút rửa, làm sạch, bệnh nhân đã xuất viện ngay ngày hôm sau.

Các bác sỹ Khoa Hô hấp thực hiện nội soi phế quản ống mềm gắp dị vật cho người bệnh.
Các bác sĩ Khoa Hô hấp thực hiện nội soi phế quản bằng ống mềm để gắp dị vật cho bệnh nhân.

Trước khi nhập viện, bệnh nhân H. xuất hiện tình trạng ho ra máu, đã điều trị 15 ngày tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên. Sau đợt điều trị, tình trạng ho ra máu đã hết nhưng hình ảnh nội soi phế quản cho thấy bệnh nhân có dị vật mắc trong phế quản và được chuyển tuyến lên Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Sau khi được bác sĩ Khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực loại trừ các bệnh ngoại khoa, bệnh nhân được Khoa Hô hấp tiếp nhận điều trị. Qua hình ảnh chụp phế quản, các bác sĩ nhận định trong phế quản bệnh nhân có một dị vật khá to, dẹt, cạnh sắc nhọn. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi phế quản bằng ống mềm và gắp bỏ dị vật cho bệnh nhân H.

Được biết, đối với những dị vật có hình dáng dẹt, cạnh sắc nhọn, lại nằm ngang trong phế quản, việc gắp bỏ gặp nhiều khó khăn do khi kéo dị vật có thể chạm vào đường thở gây xước niêm mạc. Nhưng nếu không được lấy ra sớm thì sẽ gây tăng tiết dịch, ho nhiều và ùn tắc đờm dãi cho bệnh nhân.

Trường hợp mắc dị vật của bệnh nhân H. được xem là một ca bệnh khá đặc biệt. Vì thông thường, việc mắc dị vật thường gặp ở trẻ em, người già, những bệnh nhân bị loạn thần do sử dụng rượu, hoặc những người có phản xạ kém, không có ý thức trong quá trình ăn uống. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, đối với các gia đình có con nhỏ cần quan sát và chú ý đến các bé trong việc ăn uống và chơi đồ chơi có kích cỡ nhỏ. Đối với người lớn nên hạn chế cười đùa lớn để tránh gây sặc hoặc bị nghẽn dị vật.