Phú Lương sẵn sàng ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

Lương Hạnh 08:14, 17/05/2023

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, bước vào mùa mưa bão năm nay, huyện Phú Lương đã triển khai kế hoạch ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra với phương châm "chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả". Qua đó huy động sự vào cuộc tích cực, chủ động của chính quyền các địa phương và người dân để giảm thiểu thiệt hại.

Một ngầm tràn tại xã Động Đạt (Phú Lương) có biển báo quy trình vận hành khai thác, cấm các phương tiện lưu thông khi mực nước dâng cao.
Một ngầm tràn tại xã Động Đạt (Phú Lương) có biển báo quy trình vận hành khai thác, cấm các phương tiện lưu thông khi mực nước dâng cao.

Do địa hình đồi núi dốc, có nhiều khe suối nên hằng năm, vào mùa mưa bão, xã Động Đạt hay xảy ra lũ lụt, ngập úng kéo dài, gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp cũng như tài sản của nhân dân.

Ngoài ra, địa phương có nhiều đơn vị khai thác, tuyển rửa quặng, khi mưa lớn kéo dài có nguy cơ sạt lở, vỡ đập và bờ bao che chắn, ngăn nước thải ở các xóm Đồng Nghè 1, Đồng Nghè 2, Đồng Nội, Đuổm, Vườn Thông...

Ông Trần Đình Bẩy, Chủ tịch UBND xã Động Đạt, cho biết: Trước mùa mưa bão, chúng tôi đã huy động lực lượng triển khai giải tỏa hàng lang an toàn giao thông, chặt tỉa cây cối có nguy cơ gãy đổ; chỉ đạo rà soát các điểm có nguy cơ xảy ra úng ngập, đặc biệt là một số cây cầu, ngầm tràn trên địa bàn. Khi có mưa lớn, các xóm bố trí người lập rào chắn, canh gác không để người dân qua lại ngầm tràn ngập nước.

Không riêng xã Động Đạt, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Lương đều đã chủ động xây dựng phương án phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn để không bất ngờ, bị động trước mọi tình huống khi có thiên tai xảy ra.

Năm 2022, thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện Phú Lương khiến 95 ngôi nhà bị tốc mái; 85 ngôi nhà bị ngập, hàng trăm héc ta lúa và hoa màu bị ngập úng, một số công trình thủy lợi, giao thông bị hư hỏng… Tổng thiệt hại về tài sản là trên 15,1 tỷ đồng.

Trong mùa mưa bão năm nay, huyện xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập úng, lũ lụt gồm: Phấn Mễ, Cổ Lũng, Vô Tranh, thị trấn Đu, thị trấn Giang Tiên và các điểm cầu tràn ở các xã Yên Ninh, Phủ Lý, Động Đạt, Yên Lạc.

Sạt lở đất có khả năng xảy ra ở các khu vực mỏ khai thác, hồ chứa bùn non thuộc địa bàn các xã Phủ Lý, Động Đạt, Phấn Mễ và thị trấn Đu; sạt lở mái taluy đất đào đắp, đường giao thông ở Yên Trạch, Yên Ninh, Yên Đổ, Phú Đô, Hợp Thành, Ôn Lương, Phủ Lý…

Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện có 54 hồ chứa quy mô vừa và nhỏ; trong đó có 2 hồ có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Cụ thể, hồ Ao Vả, xã Yên Đổ, không có tràn xả lũ, hệ thống cống điều tiết rò rỉ gây nguy cơ mất an toàn thân đập. Còn hồ Làng Hin, xã Phấn Mễ, bờ đập đã bị xuống cấp, xảy ra hiện tượng rò rỉ nước qua thân đập.

Với  phương châm "chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả", huyện Phú Lương đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn  phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế. Đồng thời kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; củng cố đội xung kích phòng chống thiên tai, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra bão lũ.

Ngoài ra, huyện chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông tiến hành thông báo, cảnh báo kịp thời, chính xác qua các bản tin về thời tiết, diễn biến của các đợt thiên tai nhằm nâng cao ý thức, cảnh báo cho nhân dân có biện pháp phòng, tránh.

Ngoài ra, huyện cũng đã đề xuất, tiếp nhận và đưa vào sử dụng 3 công trình cầu tràn (ở các xã Tức Tranh, Động Đạt và Yên Lạc); 8 trạm hồ chứa, 1 trạm bơm, 1 đập dâng; góp phần củng cố hạ tầng phòng chống thiên tai. Từ các nguồn kinh phí được cấp, huyện đã đầu tư 4 công trình: Trụ sở làm việc UBND xã Phủ Lý, Trường THCS Cổ Lũng, Trường Tiểu học thị trấn Đu và Trường Mầm non Ôn Lương. Các công trình này sau khi đưa vào sử dụng được kết hợp làm điểm tập trung sơ tán người dân khi có thiên tai xảy ra.

Theo ông Ma Tiến Kốp, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Trong mùa mưa bão, công tác trực ban, theo dõi diễn biến tình hình thiên tai được đảm bảo 24/24 giờ. Cùng với đó, chúng tôi cũng phối hợp với các địa phương lồng ghép tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra…