Bước vào mùa mưa bão năm nay, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Đại Từ đã xây dựng phương án chi tiết để chủ động PCTT. Phương án 5 tại chỗ và nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả” luôn được các địa phương sẵn sàng.
Tràn Hu, xã Mỹ Yên, được hoàn thành và đưa vào sử dụng mới đây góp phần đảm bảo cho người dân di chuyển an toàn trong mùa mưa bão. |
Những năm gần đây, Đại Từ là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại do mưa bão. Riêng năm 2022, mưa lớn gây ngập úng, sạt lở trên địa bàn, ước thiệt hại trên 16 tỷ đồng.
Theo thống kê của cơ quan khí tượng thủy văn, Đại Từ là địa phương có lượng mưa lớn, với mức trung bình 1.400-1.600mm/năm. Mưa tập trung chủ yếu từ tháng 6 đến tháng 9.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, ngay từ đầu năm, huyện Đại Từ đã xây dựng và ban hành phương án ứng phó thiên tai chi tiết theo từng cấp độ, từng khu vực trên địa bàn.
Trên địa bàn huyện Đại Từ, xã Yên Lãng là một trong những địa phương được xác định là vùng trọng điểm hay xảy ra sụt lún, do địa hình có độ dốc lớn, cấu trúc địa chất rời rạc, dưới lòng đất có nhiều hang caster kéo dài. Năm 2022, trên địa bàn xã xuất hiện 3 hố sụt lún xảy ra trước cửa nhà một hộ dân, mỗi hố có đường kính khoảng 2m. Mặc dù ngay sau đó, địa phương đã huy động lực lượng nhồi đất đá vào các hố sụt, song nguy cơ sụt lún vẫn còn tiềm ẩn.
Để chủ động ứng phó với nguy cơ sụt lún, ông Lưu Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lãng, thông tin: Xã đã cắm biển cảnh báo và thông báo rộng rãi đến toàn thể nhân dân về các điểm có nguy cơ cao xảy ra sụt lún. Bên cạnh chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện phòng, chống thiên tai, Yên Lãng đã xây dựng các phương án xử lý cụ thể đối với các tình huống có thể xảy ra trên địa bàn, như: sạt lở đất, sụt lún; lũ quét, lũ ống; lốc xoáy; sự cố tràn hồ...
Đầu năm 2023, xã Yên Lãng cũng bố trí kinh phí hơn 1 tỷ đồng để đầu tư cải tạo ngầm tràn xóm Đồng Ao, đảm bảo cho người dân đi lại an toàn trong mùa mưa bão.
Ngoài Yên Lãng, huyện Đại Từ cũng chỉ đạo các xã, thị trấn có khu vực xung yếu, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn xây dựng phương án chủ động ứng phó với thiên tai. Trong mùa mưa bão năm nay, huyện xác định vùng trọng điểm xảy ra ngập úng gồm các xã: Tân Thái, Bình Thuận, Vạn Thọ...; vùng trọng điểm hay xảy ra lũ quét ở sườn ven chân núi Tam Đảo, dưới chân núi Hồng, núi Chúa thuộc địa bàn thị trấn Quân Chu và các xã Cát Nê, Văn Yên…
Từ đó, địa phương chỉ đạo các xã, thị trấn có khu vực xung yếu và cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn xây dựng phương án chủ động ứng phó. Một số tình huống giả định được xây dựng gắn với tình hình thực tế tại một số địa phương, đi kèm phương án ứng phó và cách khắc phục.
Theo thống kê, toàn huyện Đại Từ có trên 140 công trình, gồm các ngầm tràn, cống qua đường, đường dân sinh, khu vực dân cư thường xuyên bị ngập úng, sạt lở. Tùy vào tình hình thực tế, các địa phương được giao tổ chức lực lượng ứng trực, lập barie và biển cảnh báo ở những khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi có mưa bão xảy ra.
Cùng với việc xây dựng phương án PCTT-TKCN, công tác đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn cũng được huyện Đại Từ chú trọng. Trong đó, huyện phân công, phân cấp trách nhiệm vụ thể trong ứng phó thiên tai theo từng cấp độ rủi ro.
Huyện Đại Từ đã chuẩn bị các phương tiện, vật tư phục vụ công tác ứng phó, khắc phục thiên tai, gồm: 2.000 bao tải, 70kg dây thừng, 500 rọ thép, trên 570 phao tròn cùng phao bè, xuồng máy và nhiều xà beng, cuốc, xẻng… |
Ngoài ra, các hoạt động đảm bảo thông tin liên lạc, tuần tra canh gác, hậu cần, kỹ thuật cũng được xây dựng cụ thể. Đồng thời, địa phương dự phòng các phương án huy động hỗ trợ khi cần tăng cường.
Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, huyện Đại Từ cũng khuyến cáo người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai; nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, hướng dẫn, cảnh báo của chính quyền địa phương các cấp; chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin