Không để bị động trước thiên tai

Chung An 09:20, 10/06/2023

Thời điểm này đã bước vào mùa mưa bão, do vậy, cũng như nhiều địa phương khác, TP. Thái Nguyên đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chủ động ứng phó với thiên tai. Trong đó, địa phương đặc biệt chú trọng công tác xử lý ngập úng, tiêu thoát nước trên địa bàn.

TP. Thái Nguyên đầu tư gần 30 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước tuyến mương Xương Rồng, phường Phan Đình Phùng. Dự án đưa vào sử dụng đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước trên địa bàn.
TP. Thái Nguyên đầu tư gần 30 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước tuyến mương Xương Rồng, phường Phan Đình Phùng. 

Là phường trung tâm của TP. Thái Nguyên, mật độ dân cư dày, hệ thống thoát nước chưa đáp ứng yêu cầu nên mỗi khi có mưa to kéo dài, nhiều tuyến đường trên địa bàn phường Phan Đình Phùng thường bị ngập.

Để hạn chế tình trạng này, phường đã chỉ đạo các tổ dân phố thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện những vị trí sông, suối gần khu vực bị sạt lở; thực hiện phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh tại khu vực sinh sống theo định kỳ mỗi tháng 1 lần. Bên cạnh đó, đối với một số diện tích sông, suối bị lấn chiếm, phường cũng ra quân kiểm tra, xử lý và đề nghị các hộ dân vi phạm tự khắc phục, trả lại hiện trạng ban đầu.

Vừa qua, từ nguồn vốn ngân sách (hơn 30 tỷ đồng), phường Phan Đình Phùng đã được đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước tuyến mương Xương Rồng. Dự án hoàn thành sẽ góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ tiêu thoát nước trên địa bàn trong mùa mưa bão.

Ông Trần Đình Thìn, Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng, cho biết: Để triển khai Dự án, địa phương đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của thành phố thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng. Được tuyên truyền, vận động và hiểu được ý nghĩa của Dự án nên gần 30 hộ dân dọc tuyến đều đồng thuận bàn giao đất, chủ yếu là đất vườn tạp, cho đơn vị thi công. Dự kiến, trong năm nay Dự án sẽ được đưa vào sử dụng, sau hơn 1 năm triển khai.

Xã Phúc Hà cũng là địa phương dễ bị ngập úng khi có mưa bão, nhất là khu vực giáp chân bãi thải của Mỏ than Khánh Hòa, thuộc các xóm: Nam Tiền, Mỏ, Um, Hồng.

Ông Nguyễn Đức Nhất, Chủ tịch UBND xã Phúc Hà, cho hay: Với phương châm “4 tại chỗ”, địa phương đã xây dựng các phương án, giả định tình huống, cách xử trí cụ thể, từ việc thông tin, báo động đến đảm bảo cơ động, đảm bảo vật chất, hậu cần… khi xuất hiện tình trạng ngập úng hay lốc xoáy. Trong đó, địa phương sẽ huy động tất cả các lực lượng, từ tổ chức hội, đoàn thể của xã, doanh nghiệp đến nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi cũng kiến nghị Mỏ than Khánh Hòa sớm triển khai Dự án mở rộng chân bãi thải nhằm giải quyết tình trạng ngập úng lâu nay, nhất là vào mùa mưa bão.

Để chủ động ứng phó với thiên tai mùa mưa bão, TP. Thái Nguyên đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể. Theo đó, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành kiểm tra, rà soát các công trình hạ tầng cơ sở về thủy lợi, hồ chứa; kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ công trình làm ảnh hưởng đến công tác tiêu úng, thoát lũ trên địa bàn…

Đặc biệt, để tránh tình trạng ngập úng, ngập úng cục bộ khi mưa bão xảy ra, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện cắt tỉa cây xanh dễ gãy đổ trước mùa mưa bão; kịp thời dọn dẹp cây xanh gãy đổ, cản trở giao thông; nạo vét bùn đất… Theo đó, trước mùa mưa, lực lượng chức năng của thành phố đã tiến hành nạo vét bùn khơi thông 1.300m tuyến kênh mương cống hộp, cống ngầm của hệ thống thoát nước; nạo vét thông hút gần 10.000m cống ngầm; đầu tư cải tạo 16m cống xuống cấp; lắp đặt bổ sung 200 tấm đan… với tổng kinh phí hơn 4,3 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Tuệ, Phó Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên: Dự báo thời tiết năm 2023 diễn biến phức tạp, khó lường nên thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương khắc phục những hạn chế, tồn tại, nâng cao nhận thức của nhân dân về vị trí, tầm quan trọng, trách nhiệm, nghĩa vụ trong công tác PCTT&TKCN. Thành phố cũng chỉ đạo các xã, phường xây dựng phương án, kế hoạch PCTT&TKCN cụ thể, như: Kế hoạch khơi thông dòng chảy, nhất là với những vị trí lấn chiếm sông, suối; kế hoạch sơ tán dân, bảo vệ đê điều, hồ đập; các phương án giải tỏa ách tắc giao thông, đảm bảo thông tin liên lạc khi có thiên tai xảy ra…