Tiết kiệm điện để giảm nguy cơ cháy, chập

Chung An 09:17, 19/09/2022

Vừa qua, trên địa bàn tỉnh nói chung và TP. Thái Nguyên nói riêng, xảy ra nhiều vụ cháy, chập điện, nhất là trong các khu đô thị. Việc này đã gây thiệt hại không nhỏ đến tài sản của người dân cũng như ngành Điện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Dương Thủy Bình, Giám đốc Điện lực TP. Thái Nguyên.

Thời gian qua, ngành Điện lực dành hàng chục tỷ đồng cải tạo, nâng cấp lưới điện nhằm chống quá tải.
Thời gian qua, ngành Điện lực dành hàng chục tỷ đồng cải tạo, nâng cấp lưới điện nhằm chống quá tải.

P.V: Thời gian vừa qua, có nhiều vụ cháy, chập điện tại các cột điện, trạm biến áp trên địa bàn TP. Thái Nguyên. Ông có thể cho biết đâu là nguyên nhân của các vụ chập, cháy này?

Ông Dương Thủy Bình: Vừa qua là thời gian cao điểm của nắng nóng. Hơn nữa, thời tiết có nhiều diễn biến cực đoan, lượng khách hàng sử dụng điện tăng đột biến, nhất là vào khung giờ cao điểm. Từ đó dẫn tới quá tải cục bộ lưới điện, dây dẫn, ghíp bắt lèo phát nhiệt gây chập, cháy… 

Hiện nay, trên cột điện treo công tơ có nhiều dây dẫn đi chung cột như: Dây mạng, dây chiếu sáng đô thị… không đảm bảo kỹ thuật và mỹ quan, gây cọ xát, bong tróc, hở các phần dây điện và tiếp xúc với nhau gây nên dễ dẫn đến chập cháy. 

Ngoài ra, một nguyên nhân khác nữa là do quá tải dây cáp sau công tơ về nhà khách hàng sử dụng điện (thuộc tài sản của khách hàng quản lý). Nguyên nhân là do khách hàng tự ý nâng công suất sử dụng điện so với công suất đã ký kết với ngành Điện trong hợp đồng, dẫn đến quá tải gây chập, cháy.

P.V: Vậy, những giải pháp nào được đưa ra để khắc phục sự cố, thưa ông?

Ông Dương Thủy Bình: Khi xảy ra các vụ chập, cháy gây gián đoạn cung cấp điện của khách hàng, trước tiên, ngành Điện sẽ tập trung nhân lực, vật tư khắc phục sự cố, cấp lại điện cho khách hàng. Tiếp đến, chúng tôi phối hợp với các đơn vị liên quan, đơn vị chủ quản để xử lý tình trạng hư hỏng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và mỹ quan đô thị.

Trong những trường hợp xảy ra chập, cháy, ngoài đề nghị khách hàng sử dụng tiết kiệm điện, các đơn vị thuộc ngành Điện cũng sẽ tăng cường công tác quản lý kỹ thuật vận hành, đầu tư chống quá tải, thay thế nâng công suất, hoán chuyển máy biến áp để phù hợp với phụ tải, giảm tải cho những khu vực đầy tải, quá tải.

P.V: Trước tình trạng đường dây điện, dây cáp viễn thông… căng treo nhằng nhịt tại nhiều vị trí, vừa gây mất mỹ quan đô thị, lại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Dương Thủy Bình: Với thực trạng về đường dây cột điện có cáp viễn thông của các nhà mạng và chiếu sáng đô thị đi chung, Điện lực Thái Nguyên đã làm việc với các nhà mạng có cáp viễn thông, đô thị, Ban Quản lý dịch vụ công ích TP. Thái Nguyên để lập phương án bó gọn, đi lại dây cho đảm bảo mỹ quan đô thị và giảm thiểu nguy cơ chập cháy như vừa rồi. 
Tính đến thời điểm hiện tại, ngành Điện đã thực hiện trên các tuyến phố chính như: Cách mạng Tháng Tám, Dương Tự Minh, Lương Ngọc Quyến, Bắc Kạn, Quang Trung, Thống Nhất, Bắc Nam, Minh Cầu, Hoàng Văn Thụ, 19-8, Phan Đình Phùng, Ga Thái Nguyên, Phủ Liễn, Nha Trang, Nguyễn Du.

Đối với những dự án phát triển mới, Điện lực Thái Nguyên khuyến cáo đơn vị viễn thông hạ ngầm dây cáp, còn những vị trí không thể đi ngầm được thì phải tuân thủ theo phương án đảm bảo an toàn.

P.V: Được biết, để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và giảm thiểu sự cố, những năm qua, ngành Điện đã dành nhiều nguồn lực để cải tạo hệ thống lưới điện. Ông có thể thông tin thêm về nội dung này?

Ông Dương Thủy Bình: Ngành Điện và tỉnh Thái Nguyên đã dành nhiều nguồn vốn để cải tạo lưới điện. Với TP. Thái Nguyên, địa phương đã được Công ty Điện lực Thái Nguyên quan tâm, ưu tiên các công trình cải tạo và đầu tư xây dựng mới. 
Cụ thể trong năm 2021, đầu năm 2022, ngành Điện đã thực hiện đóng điện 29 trạm biến áp trên địa bàn thành phố, với tổng công suất 9.520 KVA; xây dựng mới và cải tạo gần 52.000 km đường dây trung thế, xây dựng mới trên 9.400km đường dây hạ thế, tổng kinh phí đầu tư trên 95 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện nâng công suất, hoán chuyển 42 trạm biến áp, tổng công suất hoán chuyển là 13.440KVA.

Đối với việc hạ ngầm trên lưới điện trên địa bàn TP. Thái Nguyên hiện nay đã được thực hiện tại các tuyến đường phố: Lương Ngọc Quyến, Hoàng Văn Thụ, Đội Cấn, Bến Tượng, Việt Bắc, Thống Nhất, Bắc Nam.

P.V: Để khắc phục hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cháy, chập điện, ông có khuyến cáo như nào đối với người dân?

Ông Dương Thủy Bình: Để hạn chế các vụ chập cháy, ngành Điện khuyến cáo tất cả các khách hàng cần tuân thủ theo hợp đồng mua bán điện đã ký kết; sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả theo đúng chủ trương tiết kiệm điện mà Nhà nước và Chính phủ đã chỉ đạo. 

Khi khách hàng có thay đổi công suất (tăng thiết bị) phải đăng ký với ngành Điện để có quy hoạch lưới điện chủ động trong việc dự báo phụ tải và ổn định cung cấp điện. Ngoài ra, các đơn vị viễn thông, đô thị lắp đặt cáp trên cột điện lực cũng cần thực hiện theo đúng các quy định...

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Từ khóa:

điện lực

cháy

chập