Tập trung thực hiện phân loại rác thải tại nguồn

Dương Hưng 08:52, 24/10/2022

Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, đến ngày 31/12/2024, tất cả các cá nhân, hộ gia đình phải thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Liên quan đến việc thực hiện quy định này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn bà Hoàng Thị Liên, Chi cục Trưởng Chi Cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) về công tác chuẩn bị triển khai phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh.

Do chưa được phân loại nên lượng rác thải sinh hoạt phải chôn lấp tại bãi rác Phúc Thành (Đồng Hỷ) ngày càng nhiều.
Do chưa được phân loại nên lượng rác thải sinh hoạt phải chôn lấp tại bãi rác Phúc Thành (Đồng Hỷ) ngày càng nhiều.

P.V: Xin bà cho biết, việc phân loại rác thải tại nguồn có ý nghĩa như thế nào đối với bảo vệ môi trường?

Bà Hoàng Thị Liên: Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa của tỉnh đang trên đà tăng trưởng mạnh, kéo theo lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được phân loại trên địa bàn tỉnh còn thấp, mới đạt khoảng 7-8%. Rác thải chưa được phân loại hiệu quả sẽ dẫn đến khối lượng phải chôn lấp hoặc đốt nhiều, trong khi các lò đốt rác đảm bảo tiêu chuẩn tại Thái Nguyên chưa đáp ứng đủ nhu cầu xử lý.

Trên thực tế, phân loại rác tốt sẽ làm giảm được lượng rác thải cần phải xử lý, giảm tải được các bãi chôn lấp trong tình hình quỹ đất ngày càng hạn hẹp như hiện nay và giảm chi phí vận chuyển, xử lý, góp phần bảo vệ mỹ quan, hạn chế ô nhiễm đất, nguồn nước ngầm, không khí, tạo ra nguồn nguyên liệu thay thế tài nguyên thiên nhiên và tạo nguồn năng lượng có thể thu hồi.

Việc tăng cường tái chế, thu hồi năng lượng, tài nguyên hóa chất thải đang là xu hướng chung của toàn thế giới, vì nó vừa mang lại hiệu quả cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường, tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển bền vững.

P.V: Vậy bà có thể cho biết, để thực hiện quy định này cần triển khai những công việc gì,?

Bà Hoàng Thị Liên: Trước hết cần phải tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại chất thải tại nguồn; biết cách phân loại chất thải theo quy định và hình thành thói quen trong việc phân loại rác tại hộ gia đình.

Bên cạnh đó, cần đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, phương án tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý riêng biệt đối với từng loại chất thải sau khi đã được phân loại; rà soát, thống kê các cơ sở thu gom, thu mua phế liệu trên địa bàn để thống nhất biện pháp quản lý và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ. Đặc biệt là công tác quy hoạch địa điểm xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu; quy hoạch khu xử lý rác thải tập trung, hướng tới xử lý rác thải liên huyện nhằm thu hút các dự án xử lý rác thải có công suất lớn, công nghệ tiên tiến…

Ngoài việc tăng cường bố trí, huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn thì thiết lập hệ thống tổ chức cơ quan, đơn vị quản lý hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở các cấp huyện và thực hiện nghiêm quy định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường theo khoản 1, Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.

P.V: Hiện nay, công tác thực hiện quy định về phân loại rác thải tại nguồn được cơ quan chức năng của tỉnh triển khai như thế nào?

Bà Hoàng Thị Liên: Hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, phân loại chất thải tại nguồn đã được các ngành, các cấp, địa phương quan tâm, như: Xây dựng, ban hành cuốn Hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn dưới dạng sách và tài liệu điện tử; triển khai thực hiện các mô hình phân loại chất thải tại nguồn; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn triển khai các quy định pháp luật về phân loại rác thải tại nguồn; xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 05/4/2021 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, trong đó phân công rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND các cấp trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là trách nhiệm của UBND cấp huyện trong việc chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề phân loại, thu gom, tập kết, trung chuyển, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh đang phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc - KOICA triển khai Dự án “Thiết lập hệ thống quản lý chất thải bền vững của tỉnh Thái Nguyên thông qua giảm thiểu và thu hồi tài nguyên từ chất thải”, với tổng số vốn 9,29 triệu USD từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của tỉnh Thái Nguyên.

P.V: Trong quá trình chuẩn bị các điều kiện để thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, cơ quan chức năng gặp thuận lợi và khó khăn gì, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Liên: Công tác bảo vệ môi trường đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và người dân. Ý thức về bảo vệ môi trường đang dần được nâng lên. Việc bố trí ngân sách cho công tác thu gom, xử lý chất thải đã được quan tâm tăng cường. Qua đó, thu hút được nhiều nhà đầu tư về xây dựng cơ sở xử lý rác thải, xử lý rác thải thu hồi năng lượng trên địa bàn tỉnh, với công nghệ tiên tiến về xử lý rác đã được nhiều tỉnh triển khai áp dụng có hiệu quả, là cơ hội tốt để Thái Nguyên tìm hiểu để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay, chưa có hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thống nhất phương pháp thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ngày càng gia tăng, trong khi đó công tác quy hoạch và đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật về quản lý chất thải chưa bắt kịp được với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn nhân lực làm công tác quản lý môi trường ở cả 3 cấp còn mỏng. Mặc dù ý thức của người dân đã dần được nâng lên nhưng việc thực hiện phân phân loại rác thải sinh hoạt vẫn chưa được triển khai thực hiện đồng bộ nên nhiều người chưa chủ động, tự nguyện trong phân loại rác thải sinh hoạt.


Từ khóa:

phân loại rác

môi trường