Chưa đầy 3 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện, xử lý hàng trăm vụ buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng cấm, hàng giả với số tiền thu nộp ngân sách gần 50 tỷ đồng. Điều đáng nói là hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi, phức tạp, khiến công tác quản lý, kiểm soát thị trường đã khó càng thêm khó.
Thông tin mới nhất từ Ban chỉ đạo 389 (chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) tỉnh Thái Nguyên, đầu tháng 3 vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh tại xóm Thanh Xuyên 4, xã Trung Thành (T.X Phổ Yên) do bà Nguyễn Thị Kim Thu làm chủ. Kết quả, phát hiện hộ gia đình bà Thu bày bán 700 bộ kit test nhanh COVID-19 do nước ngoài sản xuất nhưng không có hoá đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hoá. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với gia đình bà Thu 16 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu và tịch thu toàn bộ số hàng nói trên.
Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành hàng loạt các hoạt động ra quân cao điểm, kiểm tra liên ngành đột xuất các cơ sở kinh doanh trên toàn địa bàn. Qua đó, chỉ trong quý I/2022, các lực lượng công an, quản lý thị trường, thuế, kiểm lâm, hải quan, thanh tra chuyên ngành… đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 537 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm với 143 bị can, 408 đối tượng. Trong đó có 105 vụ xử lý hình sự, 428 vụ xử lý hành chính.
Hàng hóa vi phạm rất đa dạng, như: Các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, nước giải khát, đáng chú ý có cả các mặt hàng quốc cấm như heroin, ma tuý tổng hợp, súng, phụ kiện súng, thuốc nổ, pháo nổ. Ngoài ra, còn các loại thuốc tân dược, thiết bị y tế, mỹ phẩm, linh kiện điện tử, đồ chơi trẻ em và các mặt hàng lâm sản, đồ gỗ mỹ nghệ…
Trong hàng trăm vụ vi phạm trên có nhiều vụ được xem là điển hình bởi số lượng hàng hoá lớn, có yếu tố vi phạm phức tạp, tinh vi. Đơn cử như trường hợp lực lượng Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra kho hàng do ông Đặng Ngọc Hưng, trú tại tổ 7, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) làm chủ. Quá trình kiểm tra đã phát hiện trên 14.500 sản phẩm nước hoa các loại không có thông tin về nguồn gốc, xuất xứ trên nhãn và bao bì của hàng hoá, tài liệu đính kèm. Đấu tranh khai thác, ông Hưng không xuất trình được bất cứ hoá đơn, chứng từ, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hoá trên. Lực lượng chức năng đã trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 80 triệu đồng đối với chủ kho hàng và tịch thu toàn bộ tang vật với tổng trị giá trên 1,4 tỷ đồng.
Vụ việc tiếp theo là trường hợp lực lượng Công an bắt đối tượng Nguyễn Hoàng Sơn, trú tại tổ 2, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) về tội vận chuyển trái phép trên 600 quả pháo nổ. Qua đấu tranh, đối tượng Sơn đã khai ra tòng phạm là Diệp Văn Kiên, trú tại xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ). Hai đối tượng này đã tự sản xuất và vận chuyển pháo nổ đi tiêu thụ. Ngày 13/1/2022, lực lượng Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 trường hợp trên về hành vi sản xuất, mua bán trái phép pháo nổ.
Một trường hợp khác, vào đầu tháng 3-2022, lực lượng Công an T.P Thái Nguyên đã kiểm tra và phát hiện bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển hàng chục kiện hàng bên trong có một lượng lớn các chi tiết, cụm chi tiết súng hơi khí nén cùng hàng nghìn viên đạn chì trên xe khách. Các đối tượng sau đó đã bị đưa về trụ sở Công an thành phố để củng cố hồ sơ xử lý theo quy định.
Qua đây có thể thấy, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh vẫn chưa lắng xuống. Theo dự báo, thời gian tới, tình hình có khả năng còn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Do vậy, cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại vẫn chưa thể nguôi nếu không muốn nói là đang khá nóng bỏng, đòi hỏi không chỉ có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng mà của cả các cấp, các ngành và toàn xã hội.