Lâu nay, những hạn chế, bất cập trong quy hoạch, quản lý quy hoạch luôn là vấn đề được dư luận quan tâm. Bởi, những hạn chế, bất cập đó đã và đang kìm hãm sự phát triển đồng bộ, bền vững ở địa phương và cả nước. Với Thái Nguyên, tuy gần đây công tác quy hoạch đã được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều nội dung cần thay đổi, khắc phục.
Những hạn chế, bất cập
Thời gian qua, Thái Nguyên đã rất nỗ lực trong triển khai lập Quy hoạch tỉnh và được Quốc hội cũng như các bộ, ngành liên quan đánh giá cao. Tuy vậy, cũng chính từ quá trình lập quy hoạch tỉnh, chúng ta mới phát hiện thấy nhiều bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các loại quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch tỉnh, thể hiện sự chưa đồng bộ giữa các loại quy hoạch ngành, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Cơ quan chuyên môn đã chỉ ra rằng, chất lượng và sự kết nối các quy hoạch của tỉnh còn hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh ở địa phương. Tại một số huyện, thành phố trong tỉnh, việc điều chỉnh quy hoạch còn chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Mới chỉ quan tâm lập quy hoạch chi tiết để triển khai các dự án trước mắt, chưa chú trọng đến công tác lập quy hoạch để quản lý tỏng thể, lâu dài; chưa quan tâm thực hiện đồng bộ các quy hoạch, bố trí vốn lập quy hoạch, xây dựng quy chế quản lý kiến trúc, chương trình phát triển đô thị...
Chính vì thế, thực trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo” chưa chấm dứt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế và đời sống người dân địa phương.
Cần sự đồng bộ, thống nhất
Mới đây, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý quy hoạch trên địa bàn. UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo về việc khắc phục tình trạng “quy hoạch treo” “dự án treo”. Quan điểm của tỉnh là phải tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Cần nhận thức rõ, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Yêu cầu lập quy hoạch phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất theo thứ bậc từ quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị đến quy hoạch khu chức năng và cụ thể hóa trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Tất cả phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trong lập quy hoạch cần tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư, các đơn vị, tổ chức liên quan. Cần có giải pháp khắc phục tình trạng mâu thuẫn giữa quy hoạch thấp hơn với quy hoạch cao hơn. Quá trình lập quy hoạch phải đặc biệt quan tâm đến tầm nhìn dài hạn, việc phát triển vùng ven đô đồng bộ với đô thị trung tâm.
Quy hoạch phải bảo đảm thống nhất, phù hợp với các phương án phát triển ngành, lĩnh vực thuộc quy hoạch tỉnh được phê duyệt, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch ngành, lĩnh vực. Các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành liên quan có sử dụng đất phải tuân thủ chỉ tiêu sử dụng đất, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch tỉnh.
Loại bỏ “quy hoạch treo”, “dự án treo”
Thời gian gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm nhiều đến giải quyết các hạn chế trong công tác quy hoạch, trong đó có “quy hoạch treo”, “dự án treo”, nhưng kết quả chưa như mong muốn. Bởi vậy, lần này tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn, yêu cầu các cấp, ngành phải rà soát lại quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi.
Đặc biệt là rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ. Rà soát các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hoá, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai. Trên cơ sở đó phối hợp xem xét, hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật để đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội.
Các cấp, ngành cần xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch và kiểm soát việc thực hiện kế hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo quy định. Xây dựng chương trình phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị và kiểm soát chặt chẽ tốc độ, chất lượng phát triển đô thị. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất; nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy hoạch, quản lý quy hoạch…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin