Kiểm soát giết mổ động vật và chất cấm trong chăn nuôi

Nguyễn San 07:48, 03/02/2023

Thời gian qua, tình trạng giết mổ động vật và sử dụng bừa bãi chất cấm trong chăn nuôi ở nhiều đia phương trong cả nước vẫn diễn ra phổ biến. Lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm mỗi năm, nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm. Nếu không có giải pháp hiệu quả, tình trạng gia tăng nguy cơ lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng là khó tránh khỏi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, cả nước có 456 cơ sở giết mổ động vật tập trung tại 37 tỉnh, thành phố được cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 22.000 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, chưa đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Thực trạng trên cho thấy, việc kiểm soát giết mổ chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt nguy cơ giết mổ động vật chết, động vật mắc bệnh, làm lây lan dịch bệnh và mất an toàn thực phẩm là rất lớn. Mặt khác, tình trạng kinh doanh, buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ, trở thành vấn đề đáng lo ngại.

Với Thái Nguyên, hiện toàn tỉnh mới có trên 10 cơ sở giết mổ động vật tập trung và nhỏ lẻ được cấp phép, có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y. Số còn lại khoảng trên 1.000 hộ, điểm giết mổ động vật nhỏ lẻ không đúng quy định.

Thời gian qua, trên địa bàn cũng đã phát hiện một số vụ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhưng thực tế số trường hợp sử dụng sẽ nhiều hơn bởi hoạt động của các đối tượng kinh doanh, buôn bán ngày càng tinh vi, khó phát hiện, xử lý.

Trước thực tế trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát tối đa hoạt động giết mổ động vật và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát, xóa bỏ hoạt động giết mổ động vật tại các hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh, điểm, cơ sở giết mổ không đúng quy định; xây dựng lộ trình đưa các điểm, cơ sở giết mổ không đảm bảo an toàn thực phẩm vào cơ sở giết mổ tập trung, nhỏ lẻ có kiểm soát của cơ quan thú y và chính quyền địa phương; kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với những trường hợp vi phạm.

Yêu cầu các địa phương phải thành lập đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành thực hiện kiểm tra tại các cơ sở, điểm giết mổ đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Quyết liệt xử lý các trường hợp kinh doanh, mua bán, vận chuyển, sử dụng chất cấm tại các cơ sở nuôi vỗ béo, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc theo quy định tại Luật Chăn nuôi, Luật Thú y.

Đẩy mạnh tuyên truyền về sự nguy hại của việc sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta - agonist trong chăn nuôi. Thông tin kịp thời cho dư luận biết về tình hình và danh tính của các đối tượng vi phạm trong việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Tỉnh cũng chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra lâm sàng, tổ chức lấy mẫu kiểm tra nhanh việc sử dụng chất cấm để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, đặc biệt là đối với lợn, trâu, bò trước khi giết mổ, vận chuyển.

Trường hợp mẫu kiểm tra nhanh cho kết quả nghi ngờ hoặc dương tính, phải dừng ngay việc giết mổ và gửi mẫu đến phòng thử nghiệm để xét nghiệm khẳng định làm căn cứ xử lý theo quy định.

Chủ động kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện các đối tượng mua bán, vận chuyển, sử dụng và nghi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật...



Thức ăn ướt Pate mèo Whiskas 80g