“Ghi thành câu hát gửi lại mai sau...”

 Bút ký của Hữu Minh 10:56, 20/01/2023

Hồi đầu năm 2022, tôi có gọi điện thoại rồi nhắn tin Zalo gửi Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên, tham mưu rằng nên làm một việc gì đó, tỷ dụ như tổ chức truyền thông về việc ta đã khai thác hồ Núi Cốc được 40 năm. Rằng, làm việc đó để tri ân công sức của đồng bào Bắc Thái với những bàn tay, đôi vai gầy đằng đẵng 9 năm trời (1973-1982) miệt mài đắp đập, khai mương mới có hồ nước đẹp đến say hồn người. 

Một góc hồ Núi Cốc thơ mộng. Ảnh: Lê Lâm

Rằng, cũng là dịp để nhắc nhớ người nhạc sĩ tài danh Phó Đức Phương, với nhạc phẩm đi cùng năm tháng "Huyền thoại hồ Núi Cốc". May chăng, dịp này tìm được tác giả dân gian nào đã dệt nên câu chuyện huyền thoại chàng Cốc - nàng Công… Và một lần nữa ngẫm về ý nghĩa ca từ "Ghi thành câu hát gửi lại mai sau…"

Kể từ ngày khởi công cách nay nửa thế kỷ, hồ Núi Cốc chiếm một vị trí đáng kể trong tâm khảm người dân. Dịp này trở lại, tôi như thấy có gì gần gũi, thân thương lạ thường. Ký ức mách bảo về tỉnh Bắc Thái từ năm 1973, trong nỗ lực giảm nhẹ lũ hạ lưu sông Cầu và cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho 12.000ha đất trồng cấy của tỉnh Hà Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh) và tỉnh Bắc Thái (Thái Nguyên, Bắc Kạn), công trình thủy lợi hồ Núi Cốc đã được khởi công. Lúc ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang đi đến hồi kết nên càng cộng hưởng sức mạnh và quyết tâm xây hồ.

Tuy thế, khối lượng xây đắp lớn, kênh dẫn dài, lao động thủ công là chính nên kéo dài đến năm 1982 mới cơ bản hoàn thành. Hồ Núi Cốc được tạo nên bởi đập tràn chính bằng đất đồng chất, ngăn dòng sông Công (phụ lưu của sông Cầu) tại xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên). Nơi cao nhất hồ là 27m, chiều dài tại đỉnh 480m, dung tích nước khoảng 175 triệu m3, độ sâu trung bình 35m, diện tích hồ 25km2.

Kỳ diệu thay, khi nước dâng lên, 89 hòn đảo xuất hiện. Cái từ “Hạ Long trên cạn” ra đời… Có hồ, có vùng tiểu khí hậu, cây cối tốt tươi, làng mạc sầm uất, chè ngon hơn và tiếng tăm xứ Thái vang vọng xa hơn. Nước mát đem lại sự trù phú, giàu có cho những làng mạc miền Kinh Bắc, làn Quan Họ trở lên sâu lắng, miệt mài mời gọi…  

Người ta bắt đầu khai thác tiềm năng của hồ, mở đầu bằng nuôi trồng thuỷ sản và du lịch. Du khách được tiếp cận Khu du lịch phía Bắc hồ Núi Cốc, phía Nam và trên các hòn đảo với một thiên đường vui chơi giải trí: công viên nước, công viên khủng long, động Huyền Thoại Cung, động Ba Cây Thông; đi thuyền dạo chơi ngoạn cảnh trên mặt hồ, khám phá những hòn đảo xinh đẹp đầy bí ẩn; ghé thăm đền Bà Chúa Thượng Ngàn linh thiêng hoặc đảo Núi Cái với khu trưng bày các sản phẩm làng nghề truyền; đảo Văn hóa, đảo hoa... Việc nuôi trồng thuỷ sản trên hồ đem lại nguồn lợi 600-800 tấn cá mỗi năm...

Ngày 28/12/2007, tỉnh Thái Nguyên đã khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện hồ Núi Cốc ở chân đập phía Nam (thuộc xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên). Sau gần hai năm xây dựng, Nhà máy chính thức hòa lưới điện quốc gia và phát điện thương mại với công suất cực đại 1,89MW. Ngày 25/6/2011, Thủ tướng Chính phủ công bố quy hoạch vùng du lịch quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, khu du lịch sinh thái có quy mô gần 200km² gồm 9 xã và một thị trấn thuộc TP. Thái Nguyên (hơn 5.400ha), TP. Phổ Yên (hơn 3.400ha) và huyện Đại Từ (hơn 10.000ha).

Vùng du lịch này được định hướng phát triển thành phân vùng phát triển kinh tế bao gồm khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, vùng trồng chè tập trung, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và khu vực phát triển du lịch, thương mại dịch vụ và đô thị. Lợi ích và giá trị do hồ Núi Cốc mang lại của 40 năm qua là không thể đong đếm. Thời gian cứ trôi về quá khứ, nhưng hình ảnh công trường tấp nập, mồ hôi và công sức của hàng vạn đồng bào từ Na Rì, Chợ Đồn, Bạch Thông, Phú Lương, Định Hoá, Đại Từ, Phú Bình… trong 9 năm xây đắp hồ còn đọng lại đâu đó và đã được nhạc sĩ “Ghi thành câu hát gửi lại mai sau…"

Bây giờ xin được trở lại câu chuyện nhạc sĩ Phó Đức Phương và bài hát huyền thoại…

…Rồi đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam xuất hiện ca khúc mới có tên “Huyền thoại ghi ở Hồ Núi Cốc” (tên đầy đủ của khúc) của nhạc sĩ tài hoa Phó Đức Phương và những người thể hiện là giọng ca Thu Hiền, Thanh Hoa…

Chưa từng biết đến hồ Núi Cốc nhưng nghe những ca từ mời gọi đến bồi hồi, người con xa quê nào chẳng muốn về với quê hương. Một trưa, nhóm biên tập viên cho Thông tấn xã Campuchia (SPK) chúng tôi ngồi ăn cơm cùng Phó Tổng giám đốc TTXVN Đỗ Phượng tại Tây Ninh thì Đài tiếng nói Việt Nam phát bài “Huyền thoại hồ Núi Cốc”. Nghe xong, ông Phượng bảo: Hay, lãng mạn, trữ tình quá. Chú Tích (anh Lý Văn Tích, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức TTXVN quê Hợp Thành, Phú Lương), chú Minh (là tôi) về với nàng Công, chàng Cốc đi thôi (!)… Đầu năm 2000, gặp nhạc sĩ ở mấy đại hội, tôi luôn ngỏ ý mời ông trở lại Thái Nguyên. Ông khá bận nhưng vẫn vui vẻ nhận lời.

Một sáng, anh Nguyễn Hoài Khiêm, Bí thư Đảng ủy Liên hợp Gang thép Thái Nguyên gọi điện cho tôi, thông tin: Nhạc sĩ Phó Đức Phương đang ở Gang thép, có ý lên thăm báo Đảng.

Tôi cho người đi đón và triển khai ngay ê-kíp phỏng vấn. Năm ấy, tóc ông đã bạc khá nhiều. Gặp những người đam mê và hiểu âm nhạc, ông say xưa hát, say xưa kể được người đứng đầu ngành Văn hóa Nguyễn Văn Nhung mời và chu đáo cử nhạc sĩ Lê Tú Anh đón lên thăm tỉnh, đặt hàng sáng tác ca khúc về quê hương, đặc biệt là công trình hồ Núi Cốc vĩ đại vừa hoàn thành. Ông cười rất tươi pha chút hóm hỉnh rồi nói, đại ý là, mặc dù đã quen sáng tác theo đơn đặt hàng, nhưng “đề bài” của lãnh đạo tỉnh khó quá. Ông mông lung: Không thể đưa nghị quyết số… hay nhờ sức mạnh tổng hợp, nhờ phối kết hợp vào ca từ nên ông chọn giải pháp “Ghi thành câu hát, gửi lại mai sau…"

Bài hát ra đời như thế đó, vậy là có một bài báo về cuộc trao đổi của những người làm báo với nhạc sĩ, âu cũng là cách tri ân người nghệ sĩ rút ruột, lao tâm để tôn vinh vùng đất này…Tối đó, chúng tôi được trà dư, tửu hậu với nhạc sĩ. Nhạc sĩ kể, ông sáng tác bài “Hồ trên núi” là đi làm nhạc cho phim “Sông nước quê hương” của đạo diễn Khánh Dư tại hồ Cấm Sơn bên Lục Ngạn (Bắc Giang). Nhiều người cứ nghĩ là nói về hồ Thác Bà bên Yên Bái, may chả ai nghĩ đấy là hồ Núi Cốc có thương hiệu riêng...

Trong khuôn khổ một bài báo tôi không thể viết dài hơn, kể nhiều câu chuyện hơn về 40 năm làm tươi mát cuộc đời của hồ Núi Cốc vì nó phong phú, kỳ vĩ và nặng tình, nặng nghĩa lắm...


Từ khóa:

hồ Núi Cốc