Bằng những việc làm thiết thực như: Thành lập các đội, câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ; giữ gìn, truyền dạy cho lớp trẻ chữ viết, nghề thêu thổ cẩm, làn điệu dân ca… mỗi hội viên của các cấp hội phụ nữ huyện Định Hóa đã góp sức tiếp nối, bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Một tiết mục hát Then của Câu lạc bộ Văn hóa dân gian truyền thống xã Phú Đình. |
Về xã Phúc Chu những ngày đầu Xuân, ngoài được cảm nhận sự khác biệt từ các món ẩm thực mang đậm chất của đồng bào dân tộc Dao, chúng tôi hòa mình vào điệu Pả Dung của các diễn viên không chuyên do phụ nữ địa phương thể hiện.
Bà Bàn Thị Hồng, Chủ nhiệm CLB hát Pả Dung, vui vẻ cho biết: Làn điệu Pả Dung và những điệu múa chuông được các thành viên trong CLB thường xuyên luyện tập, biểu diễn tại các điểm du lịch cộng đồng, những lễ hội của huyện nhằm giới thiệu cho bạn bè và du khách, lưu giữ và quảng bá văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, chị em trong CLB cũng bảo nhau truyền dạy nghề thêu cổ truyền cho các con cháu, để nghề thêu này không bị mai một cùng năm tháng.
Cùng với CLB hát Pả Dung xã Phúc Chu, địa bàn huyện Định Hóa còn có gần 40 CLB và đội văn nghệ quần chúng xóm, xã hoạt động thường xuyên, trong đó, nòng cốt là hội viên phụ nữ.
Các CLB, đội văn nghệ quần chúng sinh hoạt định kỳ theo tháng hoặc quý, thường xuyên tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, biểu diễn phục vụ lễ hội, sự kiện tại địa phương. Các thành viên đã mang lời ca tiếng hát, làn điệu Then cổ, hát Sli, Pả Dung… đến đông đảo người dân và du khách, góp phần bảo tồn, quảng bá nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bà Đào Thị Tám, hội viên Chi hội Phụ nữ xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc, thành viên CLB Then xã Điềm Mặc, cho biết: Bản Quyên là làng văn hóa du lịch, trong những năm gần đây đã đón tiếp nhiều du khách. Với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và biểu diễn để nhiều du khách cùng biết tới, chúng tôi thường xuyên luyện tập các làn điệu Then, tham gia biểu diễn, giao lưu ở các xóm, xã trên địa bàn.
Bên cạnh hoạt động của các CLB, đội văn nghệ, những năm qua, hội viên phụ nữ ở Định Hóa còn có nhiều cách làm thiết thực để bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, như: Tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội, trò chơi dân gian; duy trì nghề thêu thổ cẩm; mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình vào dịp các ngày hội hay ngày lễ, tết...
Đồng thời, các hội viên cũng nâng cao nhận thức, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”...
Bà Lương Thị Ngâm, Chủ tịch Hội LHPN huyện, chia sẻ: Hội LHPN huyện Định Hóa hiện có 23 cơ sở hội, với 228 chi hội, trên 18,5 nghìn hội viên. Trong đó, có trên 73% là phụ nữ người dân tộc thiểu số. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để hội phụ nữ các cấp trên địa bàn phát huy vai trò của phụ nữ trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều năm qua, 100% cơ sở hội vận động hội viên phụ nữ giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, truyền dạy, sử dụng tiếng nói, chữ viết, các làn điệu dân ca, dân vũ, thêu thùa trang phục của dân tộc. Đặc biệt, hội viên phụ nữ dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chay trên địa bàn vẫn giữ được truyền thống may trang phục, tiếng nói, văn hóa, văn nghệ bản sắc của dân tộc mình…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin