Du lịch hang động: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Phạm Ngọc Chuẩn 09:33, 12/03/2023

Trên vùng đất Thái Nguyên, dải núi Ngân Sơn, Bắc Sơn cao sừng sững và được mẹ thiên nhiên kiến tạo nên từ hàng trăm triệu năm nay. Một điều thú vị là trong các lòng núi đá vôi ấy còn có những hang động rộng rãi, với vô số thạch nhũ muôn hình, vạn trạng, tựa kỳ quan chờ đợi ngành Du lịch khám phá.

Thác nước cao hơn 2 mét, đẹp như một sân khấu trong lòng hang động suối Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai).
Thác nước cao hơn 2 mét, đẹp như một sân khấu trong lòng hang động suối Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai).

Thực tế du lịch hang động ở Thái Nguyên đã có từ lâu, nhưng chủ yếu là tự phát, hoặc có tổ chức song mới khai thác ở phần nổi của “tảng băng trôi”. Còn thế giới hang động kỳ bí ẩn sâu trong lòng núi đang được các nhà thám hiểm tiến hành khảo sát, đánh giá và tư vấn, định hướng phát triển du lịch.

Bà Phạm Tuyết Bảo, Phó Trưởng phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết: Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện hơn 20 hang động rộng rãi có thể khai thác, phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt có một số hang từ lâu đã gắn bó với đời sống tinh thần của nhân dân địa phương, trong đó phải kể đến động chùa Hang (TP. Thái Nguyên) và động chùa Hang (Định Hóa). Hằng năm, vào dịp đầu xuân, nhân dân trong vùng đều tổ chức lễ hội để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà được bình yên.

Huyện Võ Nhai là địa phương có nhiều hang động nhất của tỉnh, điển hình như: Hang Phượng Hoàng (xã Phú Thượng), hang Huyện (xã Tràng Xá). Riêng xã Thần Sa có hang Phiêng Tung, Mái đá Ngườm, Thắm Choong, Nà Ngùn… Ly kỳ ở chỗ là các hang này đều có sự gần gũi, gắn kết với cuộc sống con người. Ví như các hang động ở Thần Sa, các nhà nghiên cứu, khảo cổ học đã phát hiện từ khoảng 41.000 năm tới 23.000 năm trước Công Nguyên - thời hậu kỳ đồ đá cũ - đã có sự sống của người tiền sử. Một khối “tài sản” vô giá của người tiền sử bị khỏa lấp trong lòng các hang núi. Thông tin này không chỉ “kích thích” các nhà khảo cổ học, sử học mà còn với rất nhiều người dân, du khách tìm đến với mong muốn được trải nghiệm ở nơi từng có sự sống của người tiền sử.

Ông Martin Holroyd, chuyên gia hang động người Anh: “Hang suối Mỏ Gà là nguồn tài nguyên du lịch phong phú, tỉnh Thái Nguyên có thể mở tour du lịch mạo hiểm thành công tại đây. Tuy nhiên, tỉnh nên cân nhắc, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, am hiểu về hang động. Các doanh nghiệp cần đầu tư trang thiết bị an toàn được nhập khẩu từ châu Âu; tổ chức đào tạo bài bản cho đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp; du khách trước khi vào hang cần được huấn luyện một số kỹ năng cơ bản khi sống trong hang động”...

Chuyện vào hang “vãn cảnh tiên”, ông Martin Holroyd, chuyên gia hang động người Anh - sau chuyến thám hiểm hang động suối Mỏ Gà vào tháng 2-2023, phấn chấn chia sẻ: Chúng tôi thật hạnh phúc khi phát hiện ở trong hang có vô số khung cảnh đẹp. Với suối nước chảy không ngừng, có hồ nước xanh màu ngọc bích và vô số thạch nhũ từ lòng hang vươn lên như rừng, rồi từ trên buông xuống như những sợi tơ mành. Đặc biệt ở khu vực hồ nước, chúng tôi phát hiện cặp cá lớn nhưng không có mắt. Qua đây, chúng tôi muốn chuyển thông điệp đến với bạn bè năm châu về một cảnh quan được tự nhiên kiến tạo nên từ hàng trăm triệu năm trước, nhưng chưa có ai được nhìn ngắm...

Tận khi ấy chúng tôi mới vỡ lẽ rằng, hang Phượng Hoàng, hang động suối Mỏ Gà cũng như nhiều hang động khác trên địa bàn tỉnh mới chỉ được khai thác ở một phần giản đơn nhất. Ví như hang Phượng Hoàng, các chuyên gia làm du lịch Thái Nguyên mới hình dung ra đôi chim Phượng nằm trên đỉnh núi chầu về cánh đồng Phú Thượng; rồi dẫn du khách vào các tầng hang để ngắm những nhũ đá mà liên tưởng đến nghiên bút khổng lồ, ông voi đứng chầu cùng hổ, sư tử ngoan ngoãn cho hàng triệu lượt người thập phương đến xoa đầu, chụp ảnh.

Anh Kiều Chất, một cư dân dưới chân núi Phượng Hoàng, dẫn tôi lên đỉnh hang xem một bụm nước vừa bằng cái chậu rửa mặt. Thú vị là nước trong bụm ấy không bao giờ tràn, cũng không bao giờ vơi. Anh bảo: Đó là thứ nước mang lại sự may mắn, niềm hạnh phúc cho con người.


Ông Howard Limbert, Trưởng đoàn thám hiểm Hiệp hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh tại Việt Nam (thứ hai từ phải vào) trong chuyến khảo sát hang Chùa, ở xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) năm 2021.
Ông Howard Limbert, Trưởng đoàn thám hiểm Hiệp hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh tại Việt Nam (thứ hai từ phải vào) trong chuyến khảo sát hang Chùa, ở xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) năm 2021.

Mỗi hang động là một cảnh quan đẹp. Ví như chùa Hang, ở phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) còn được gọi là “Tiên nữ động”. Bởi sự kết hợp giữa kiến trúc thiên tạo với văn hóa tâm linh khiến chùa có nét độc đáo, linh thiêng và huyền ảo trong làn khói hương. Từ lòng hang có thể theo “đường lên trời”, hoặc “đi xuống âm phủ”. Trên núi có những khối đá khổng lồ tựa tháp nghiêng Pisa (Italia), rảnh rang có thể ngồi hóng mát, nhìn mây, niệm câu di đà để thấy lòng nhẹ nhàng hơn, như vừa trút đi gánh nặng hồng trần.

Hầu hết các hang động ở Thái Nguyên đều có những câu chuyện ly kỳ và gắn với dòng chảy lịch sử của địa phương. Ví như hang Sữa nằm trong quần thể núi Đuổm, ở xã Động Đạt (Phú Lương). Một hang đá rộng rãi, kín đáo được thủ lĩnh Dương Tự Minh lựa chọn làm nơi bàn việc quân cơ. Cũng ở núi Đuổm còn có hang Gió nối từ đỉnh núi thông xuống dòng sông ngầm tụ nước thiêng cho Giếng Dội. Các bậc cao lão trong vùng còn tụng truyền: Hang Gió ví như sợi dây kết nối, giao hòa âm dương, tạo linh khí cho núi Đuổm, người đến đó sẽ tiếp nhận được sinh khí trời đất, sống khỏe mạnh.

Còn rất nhiều những hang động trên vùng đất Thái Nguyên. Mỗi hang đều gắn bó với cuộc sống của người dân bản địa và mang một vẻ đẹp kỳ bí riêng. Tất cả đang được gìn giữ, bảo vệ, mong đợi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khảo sát, cùng tỉnh đầu tư, góp phần đưa du lịch hang động trở thành một trong những sản phẩm thế mạnh của ngành Du lịch Thái Nguyên.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên: “Ngoài các sản phẩm du lịch truyền thống như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, văn hóa - tâm linh… Thái Nguyên còn có sản phẩm du lịch hang động. Rất mừng là tỉnh đang quan tâm, cho phép một số chuyên gia trong nước và quốc tế đến thám hiểm, tư vấn để đầu tư phát triển du lịch hang động. Chúng tôi sẵn sàng vào cuộc, nhưng để đầu tư khai thác hiệu quả thì rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ của tỉnh về các thủ tục đầu tư, cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế đất liên quan đến hang động”…

Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: Để nguồn tài nguyên hang động không dừng lại ở tiềm năng, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định tiếp tục khảo sát, đánh giá chuyên sâu về tài nguyên du lịch hang động và mời gọi đầu tư khai thác, phát triển du lịch tại hang Phượng Hoàng, hang suối Mỏ Gà (Võ Nhai) là một nhiệm vụ trọng tâm.

Từ năm 2021 đến nay, Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chủ trì tổ chức 2 đợt thám hiểm chuyên sâu tại đây với sự tham gia của các chuyên gia hang động người Anh và chuyên gia an toàn đến từ tỉnh Quảng Bình (đang vận hành, khai thác động Phong Nha và hang Sơn Đoòng) hỗ trợ thực hiện khảo sát, đo đạc, xác lập bản đồ, ghi chép, phác tả cảnh quan bên trong, tư vấn, định hướng phát triển du lịch. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu với tỉnh đẩy mạnh việc quảng bá, mời gọi nhà đầu tư có năng lực đến Thái Nguyên cùng hợp tác phát triển, khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch hang động…



Dịch vụ thuê xe 16 chỗ xe đời mới, chiết khấu cao tour mỹ 2025 trọn gói