Từ Đề cương Văn hóa nghĩ về văn học trong thời kỳ đổi mới

Hồ Thủy Giang 09:17, 08/03/2023

Rất có lý khi có một triết gia đã phát biểu, đại ý: Muốn tìm hiểu về văn hóa ở bất cứ một vùng đất nào thì hãy nhìn vào đội ngũ nhà văn cùng các tác phẩm của họ. Điều này cũng dễ hiểu, văn học chính là bức tranh phản chiếu nền văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi vùng đất.

Những năm nửa đầu thế kỷ 20 khi truyền thông, truyền hình chưa phát triển mạnh, công chúng chưa được trực tiếp nghe, nhìn, nhận biết về các vùng đất và con người trên toàn cầu thì văn chương chính là “sứ giả” rất đắc dụng trong sứ mệnh giao lưu tâm hồn các dân tộc trên toàn thế giới.

Ngày nay, thế giới đã là một “thế giới phẳng”, một động thái nhỏ nhất từ châu Âu, châu Mỹ, chỉ mươi phút sau đã có thể lan truyền sang cả hàng trăm đất nước khác. Nhưng trước sự quá dư thừa thông tin ấy, sẽ rất sai lầm nếu cho rằng văn chương bị gạt ra ngoài lề (tuy không thể chối bỏ đang có sự suy giảm nghiêm trọng trong văn hóa đọc). Nhưng dù thế nào thì thiết nghĩ, văn học vẫn không thể mất đi sứ mệnh cao cả là “sứ giả” của tâm hồn, “sứ giả” của văn hóa.

Có thể nói, mỗi cuốn tiểu thuyết là một bức tranh lớn/nhỏ về văn hóa của mỗi vùng miền, qua đó có thể “nhìn thấy” con người và một “miền sống” của mỗi vùng đất, mỗi dân tộc. Đề cương Văn hóa Việt Nam và tất cả các hội nghị văn hóa sau này đều đã xác định rất rõ vấn đề này, đều đề cao văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng là nền tảng tinh thần của đất nước.

Đề cương Văn hóa Việt Nam được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng vào tháng 2/1943 như một ngọn đuốc soi đường để văn học Việt Nam có được những thành tựu lớn, đúng hướng như văn học cách mạng, văn học kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này...

Và cho đến tận ngày nay, ba nguyên tắc: "Dân tộc hóa", "Đại chúng hóa", "Khoa học hóa" của Đề cương vẫn còn nguyên giá trị. Các nhà lý luận đã có sự thống nhất cao: Văn hoá có tính dân tộc là văn hoá mang bản sắc của một quốc gia - dân tộc; bản sắc dân tộc chính là điều làm nên cái riêng của một dân tộc trong bức tranh văn hoá đa dạng của thế giới, là cái khẳng định danh tính của một dân tộc trong ngôi nhà chung của nhân loại. Văn hoá có tính khoa học là văn hoá bao gồm các hoạt động khoa học, kể cả các hoạt động sáng tác và biểu diễn văn hoá - nghệ thuật một cách khoa học, để phục vụ cho phát triển con người và xã hội. Văn hoá có tính đại chúng là một nền văn hoá của toàn thể cộng đồng các dân tộc trong một quốc gia, không phải là đặc quyền đặc lợi của riêng một tầng lớp xã hội nào.

Trong Hội nghị Văn hoá toàn quốc 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu: “Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”, thì Khoa học, Dân tộc, Đại chúng chính là ba nguyên tắc soi đường cho văn hóa đi lên.

Ngày nay, trên đường đổi mới, hội nhập, văn học Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, nhưng trong hoạt động văn học nghệ thuật không phải không có ít nhiều những biểu hiện sai đường. Chỉ xin bàn riêng về nguyên tắc “dân tộc” và thu nhỏ lại ở bình diện văn học đã thấy không ít những lệch chuẩn trong sự phát triển. Đây đó đã có sự xa lánh văn hóa truyền thống, cố xúy, vồ vập, lai căng trước các lý thuyết hiện đại, hậu hiện đại, sính ngoại một cách mù quáng.

Không phải không có những tác phẩm văn học không phù hợp với văn hóa, tâm lý dân tộc nhưng lại được nhân danh tiến bộ, tiên tiến để truyền bá, tung hô. Ngược lại, cũng có những gì thuộc về tinh hoa của dân tộc, của đất nước nhưng đôi khi lại bị vô tình/cố tình lãng quên, vứt bỏ.

Đó là những biểu hiện xa rời nguyên tắc Dân tộc trong Đề cương Văn hóa. Trong điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc… cũng đang có phần “lâm nguy” trước những cơn… cuồng ngoại như vây

Sinh thời, GS lịch sử Trần Quốc Vượng đã từng nói: “Những gì thuộc về con người đều là văn hóa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một cách cụ thể hơn: "Văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra với phương thức sử dụng chúng, nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời đó cũng là mục đích của cuộc sống loài người". Trong "Hội nghị Văn hóa toàn quốc" diễn ra ngày 26/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: "Văn hóa còn thì dân tộc còn".

Vậy thì, việc xây dựng, phát triển văn hoá không gì khác, chính là xây dựng con nguời Việt Nam, mà văn học nghệ thuật là một khâu quan trọng, như một yếu tố hạt nhân.