Mỗi chúng ta sinh ra đều có quê hương để thương để nhớ, để tìm về khi muốn lục lại tuổi thơ. Quê hương là hình ảnh cánh cò trong lời ru của mẹ, là cô Tấm trong câu chuyện cổ tích của bà. Và dù quê hương với mỗi người có thể khác nhau, nhưng có một điều luôn đúng như nhà thơ Đỗ Trung Quân từng viết “Quê hương nếu ai không nhớ - Sẽ không lớn nổi thành người”.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê ven thành phố, nơi có con sông êm đềm nước chảy, ven bờ là những lũy tre đu mình theo gió, có bờ bãi ngút ngàn màu xanh của ngô khoai, cùng cánh đồng lúa vào mùa gặt chín vàng dậy mùi hương thơm ngát.
Tuổi thơ của tôi có lẽ vì thế mà gắn liền với hình ảnh bờ bãi, cánh đồng xanh mướt thẳng cánh cò bay. Nhìn từ xa cánh đồng lúa quê tôi đẹp lộng lẫy như một tấm thảm xanh khổng lồ. Nhưng khi lại gần, tôi có thể cảm nhận sự điệu đà của từng khóm lúa mỗi khi làn gió tinh nghịch thổi qua. Vẻ đẹp của cánh đồng càng trở nên thơ mộng khi lúa bắt đầu trổ bông. Mùi thơm thoang thoảng của những bông lúa non còn ngậm sữa quyện với mùi hương của cỏ cây đồng nội dường như vương vấn mãi trong tâm trí tôi.
Quê hương trong kí ức tuổi thơ của tôi còn là những buổi sáng mùa Hè thật đẹp. Tôi vẫn còn nhớ như in ngày ấy, các chú ve luôn là chủ nhân đánh thức "niềm đam mê âm nhạc" của mọi người bằng cách tấu lên những bản giao hưởng rộn ràng trong vòm lá. Tiếng gáy dõng dạc của chú gà trống khiến cảnh vật bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài trong đêm. Ngước nhìn lên cao, qua ánh mắt của một đứa trẻ lên chín, lên mười, tôi thấy bầu trời sáng trong, lộng lẫy khoác trên mình chiếc áo xanh thật đẹp.
Quê hương trong ký ức tuổi thơ tôi không chỉ có hình bóng quê nhà, biết bao nhiêu là kỷ niệm thời con trẻ, mà ở đó còn có bóng hình người mẹ thân yêu của tôi luôn dõi theo các con mình trưởng thành trên đường đời tấp nập...!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin