Ngày tôi còn bé, các loài rau dại quê tôi nhiều lắm. Gọi là rau dại bởi chúng không được trồng trong vườn nhà. Trên suối khe, bờ vùng bở thửa, các loài rau dại miên man xanh. Trong muôn vàn cỏ cây, mỗi loài rau có một sắc màu riêng của lá, hoa, hương vị.
Không cần cuốc xới gieo trồng, nơi nào rau dại cũng mọc. Hạt rau dại tự giấu mình trong đất đợi mùa đâm chồi. Dưới bão giông nắng lửa, các loài rau dại vẫn trổ hoa. Rau mọc chen với cỏ, thầm lặng dâng đời thứ tinh túy được chắt lọc từ đất quê. Đi làm đồng nhiều người thường tranh thủ hái một vài nắm. Trưa hè, chỉ canh rau dại chan bát cơm độn cũng mát lòng.
Những buổi đi chăn trâu, tôi vẫn cùng đám bạn hái và đựng rau vào những tàu khoai mon, hoặc mảnh lá chuối. Dễ hái nhất là các loại rau tàu bay, tầm bóp, lạc tiên. Nhiều loại rau mọc thấp phải nhặt từng ngọn khá tỷ mẩn như rau dệu, rau sam, rau má, chua me đất…
Nhiều loại rau có các tên lạ khác, người lớn bảo ăn được là chúng tôi hái. Các loại rau ấy trộn lẫn nấu canh, bà tôi gọi là canh rau tập tàng. Thi thoảng đi làm cỏ lúa mẹ tôi mang theo giỏ bắt cua. Cua nấu với các loại rau dại ngon hơn nấu với bất cứ loại rau vườn nhà nào khác.
Ngoài làm rau ăn, nhiều loại còn là những bài thuốc. Tôi còn nhớ ngày ấy mẹ tôi và bà con trong làng thường bảo nhau cách chữa bệnh từ các loại rau: Chua me đất chữa bệnh ngoài da như viêm loét, ung nhọt, bỏng. Rau tầm bóp chữa viêm họng, cảm sốt, ho, nấc, dạ dày. Rau càng cua chữa bệnh về hô hấp và viêm nhiễm. Rau lạc tiên trị chứng mất ngủ. Rau má chữa chảy máu cam, táo bón, mụn nhọt, rôm sảy và thanh nhiệt, giải độc. Rau diếp cá chữa lở ngứa, ban sốt…
Các loài rau dại của quê xưa hiếm dần, bởi đường xá, kênh mương nội đồng đã được đổ bê tông, những vạt đất trống nhỏ nhoi cho rau dại mọc cũng ít. Nhưng, trong ký ức của tôi về một miền hoa cỏ, những loài rau dại vẫn non xanh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin