“Trái tim của rừng” góp thêm tiếng nói cho đời sống văn chương

Ngô Minh 08:13, 21/05/2023

“Trái tim của rừng” là tên tập truyện do Nhà xuất bản Hồng Đức cấp giấy phép, ra mắt bạn đọc cuối năm 2022. Ra đời sau khóa học viết văn do Nhà văn Hồ Thủy Giang tổ chức, “Trái tim của rừng” gồm 33 truyện ngắn của 7 tác giả gồm: Lã Thị Thông, Võ Thị Thu Hằng, Cồ Thị Thơm, Tiết Minh Hà, Hồ Quỳnh Châu, Vi Tiến, Đào Phúc Hữu. 5 trong 7 tác giả nói trên đã được kết nạp vào Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh.

Bìa sách “Trái tim của rừng”. Thiết kế: Đào Tuấn
Bìa sách “Trái tim của rừng”. Thiết kế: Đào Tuấn

Hầu hết các truyện trong “Trái tim của rừng” đều có cốt truyện đơn giản, ít nhân vật, dễ hiểu, chứa thông điệp tích cực. Tác giả Lã Thị Thông mang vốn hiểu biết văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số của mình vào tác phẩm. Các truyện như “Nhớ lửa”, “Trái tim của rừng”, “Về với non ngàn” đậm cảnh sắc, nếp sống của bà con dân tộc Tày Việt Bắc. Hình ảnh nếp nhà sàn chênh vênh với bếp lửa ấm quanh năm; hình ảnh bông hoa chuối rừng thêu trên tấm áo chàm… trong tác phẩm đã tạo được dấu ấn trong lòng bạn đọc.

Các tác giả khác cũng đã xây dựng cốt truyện, nhân vật, tình tiết để có nhiều tác phẩm đáng đọc. Phải kể đến những truyện như: Hoa xuyến chi, Món canh cua, Đôi giày (Võ Thị Thu Hằng); Linh cảm của người cha, Hoa cúc trắng, Thi trâu (Cồ Thị Thơm); Hồn sông, Vết sẹo, Nụ cười (Tiết Minh Hà); Điều bí mật trong từng chiếc cúc áo, Đêm trắng, Câu chuyện của ba (Hồ Quỳnh Châu); Người bốc mộ, Huyền ảo Rum ba (Vi Tiến); Máy cày (Đào Phúc Hữu). Nhiều mảng màu cuộc sống được tiếp cận; nhiều góc khuất bất ngờ, diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật được các tác giả khai thác và thể hiện.

Tuy nhiên, tập truyện cũng còn bộc lộ những điểm yếu như: Giản đơn về cốt truyện, nhân vật chưa được khắc họa sinh động, chưa có nhiều kết truyện bất ngờ và thông điệp của mỗi tác phẩm rút ra chưa thực sự sâu sắc. Dù sao, việc ra đời tập truyện cũng là thành công của những người yêu viết văn; góp phần làm văn chương Thái Nguyên thêm phong phú.