Trời tháng Bảy oi nồng, ngoài trời nắng nóng như đổ lửa, mồ hôi vã ra như tắm, về đến nhà, tôi vội mở cổng, bước vào trong. Nhìn đồng hồ, đã hơn 11 giờ trưa. Mở tủ lạnh, chả còn gì, ngoài hai khúc cá biển, lật đật cắm vội nồi cơm rồi chạy ra vườn hái nắm rau.
Tranh của hoạ sĩ Tào Linh. |
Chợt có tiếng rầm! Hóa ra con mèo thấy chủ về, từ trên cây sung cao lao vút xuống mái tôn, rồi nhảy xuống bên tôi. Nó lấy lưng cọ cọ vào chân tôi, rồi lăn nhẹ mấy vòng dưới đất tỏ vẻ mừng rỡ. Chắc bây giờ nó cũng đói lắm rồi. Tôi ôm nó vào lòng nựng yêu:
- Con đói lắm rồi phải không? Sáng nay bà đi quét chùa sớm quá, con lại chưa dậy. Chờ tý, cơm chín, rán cá xong bà cho con ăn nhé!
Như hiểu lời tôi nói, nó ngẩng lên nhìn. Hai mắt như hai hòn bi ve lấp lánh.
Tôi đặt nó vào cái ổ lót vải rất đẹp tôi đã làm từ cái giỏ quà Tết và những mảnh vải vụn. Nó ngoan ngoãn nằm im chờ đợi.
Chồng tôi hy sinh trong một đợt quét bọn buôn bán ma túy có vũ khí nóng. Từ đấy, trong ngôi nhà hiu quạnh, trống vắng đầy kỷ niệm này, chỉ có con mèo là niềm vui, là nguồn động viên an ủi lớn nhất của tôi. Những lúc nhớ anh, tôi thường ôm con mèo thật chặt như một sự chở che, một chỗ vịn cho nỗi cô đơn đau đớn của mình. Nó để im cho tôi ôm, đôi mắt lim dim. Những lúc ấy, vẻ mặt nó cũng buồn thiu. Tôi nói với nó trong tiếng nấc nghẹn ngào:
- Con cũng nhớ ông lắm phải không? Ông sắp về rồi... Ông chỉ đi công tác vài hôm rồi ông lại về với bà con mình thôi. Ông sắp về rồi...
Miệng tôi cứ lẩm bẩm mấy câu như vậy cùng những giọt nước mắt ứa ra ướt đầm vạt áo. Có lẽ vì quá khổ đau mà tôi cứ tự dối lòng mình và dối cả con mèo như thế.
Ngày chồng tôi còn sống, anh chăm con mèo như chăm con nhỏ. Thỉnh thoảng anh mua cả cân cá về kho cho nó ăn dần. Khác với cách nuôi mèo của mọi nhà, xong mỗi bữa ăn, anh luôn rửa rất kĩ cái bát dành riêng cho nó. Chiều chiều, anh tắm rửa cho mèo, bảo rằng động vật cũng phải được giữ gìn vệ sinh như người. Những buổi tối nhàn rỗi, anh thường ôm nó trên tay cùng ngồi xem vô tuyến. Đi ngủ anh cũng cho nó ngủ cùng.
Nhiều đêm anh đi công tác, nó cũng nhịn cơm luôn. Ngày chồng tôi còn sống, hình như con mèo chả thiết đến tôi. Nói ra sợ mọi người cười, chứ quả là đôi khi tôi cũng có chút ghen tị với con mèo.
Ngày chồng tôi mất, con mèo ngơ ngơ ngác chạy khắp nhà, rồi lại ra vườn kêu lên những tiếng thảm thiết. Trước đó, tôi chưa từng nghe thấy những âm thanh như thế. Có lẽ đó là những tiếng khóc của một người con với người cha, chứ không phải tiếng kêu của loài mèo. Suốt một ngày ròng nó luống cuống chạy khắp nơi, ra tận bìa rừng, ra bờ sông cách nhà hàng mấy trăm mét… Tiếng kêu, nói đúng hơn là tiếng khóc ai oán đầy thất vọng của nó làm cho hàng xóm cũng phải nao lòng.
Mấy ngày trời nó không ăn không uống, gầy xọp hẳn, đi đứng liêu xiêu, tai cúp xuống, đờ đẫn trông thật tội nghiệp. Tối tối, con mèo lại đến nằm dưới chân bàn vong của chồng tôi, ngước mặt lên ban thờ... Thỉnh thoảng lại mở choàng mắt nhìn lên di ảnh, kêu ngoao... ngoao ... một hồi thật to. Kêu chán, lại nằm phủ phục, mắt nhắm nghiền.
Những ngày lễ tang, tôi quấn cho nó một vòng khăn tang trắng vào cổ. Mọi khi cứ đeo bất cứ cái gì trên người nó đều cắn rách hết. Nhưng lần ấy, như hiểu chuyện, nó ngoan ngoãn để yên.
Nhìn dáng vẻ tiều tụy của con mèo, tôi tưởng nó không sống nổi. Nhưng rồi thời gian qua đi, bỗng có một ngày, hình như “nghĩ” ra điều gì đó, nó bắt đầu làm thân với tôi. Có lẽ nó cũng thấu hiểu nỗi đau của người vợ mất chồng của tôi chăng? Có vẻ như sợ tôi một mình buồn nên suốt ngày quanh quẩn bên tôi. Và tôi, vào những lúc chênh vênh nhất, ánh mắt dịu dàng, thân thiện, đôi bàn chân bé nhỏ mềm mại của nó đặt trong lòng bàn tay tôi cũng ít nhiều xoa dịu nỗi đau, làm tâm hồn tôi trở nên yên tĩnh.
* * *
Tôi chuần bị dọn cơm thì ngoài sân có tiếng người:
- Chị Hoa có nhà không ạ?
Hóa ra là chú thương lái quen, người Bắc Giang, hay đi thu mua dược phẩm ở vùng này. Tôi hỏi:
- Trưa rồi chú có việc gì vậy?
Chú thương lái trả lời:
- Em đi mua thảo dược, tiện thể ghé qua thăm nhà chị. Có người bảo với em, chị có con mèo rất đẹp và khôn, từ ngày anh mất, chị lại bận rộn công việc không chăm sóc được. Hay chị để lại cho em. Em biết ngày trước, anh chăm sóc con mèo như chăm con. Nếu chị để cho em, em cũng sẽ thay anh chăm nuôi nó như anh ngày trước.
Tôi ớ người. Đúng là hồi chồng mới mất, vì tôi bận quá nhiều công việc của tổ dân phố, việc xã hội, lại đi chùa suốt ngày, sợ không có thời gian chăm sóc, để con mèo nhịn đói thì cũng tội nên tôi cũng có ý định bán con mèo đi.
Tôi chưa kịp nói gì với chú khách, bỗng từ đâu con mèo chạy tới kêu ngoao ngoao... thật to rồi rúc vào lòng tôi. Đôi mắt nó mở to long lanh, ngấn ướt, ngước lên nhìn tôi đầy âu yếm và như có ý cầu xin. Hình như hiểu câu chuyện giữa tôi và người khách, nó lăn lộn trong lòng tôi mấy vòng, ánh mắt buồn thê lương. Bỗng hai chân trước, không, hai tay nó ôm lấy tay tôi như đứa con ôm mẹ. Tôi như tỉnh cơn mê. Mắt tôi nhoà đi, đưa hai tay ôm chặt lấy con mèo vào lòng. Tôi quay sang chú thương lái:
- Không! Đấy là chuyện của ngày trước. Chú xem, con mèo tình cảm với tôi thế này, tôi bán sao được!
Tôi cảm thấy trái tim nhói đau. Sao tôi lại từng có ý nghĩ bán con mèo? Sao tôi lại bạc bẽo đến vậy cơ chứ? Nước mắt tôi ứa ra. Tôi lau nhanh nước mắt, nói:
- Xin lỗi chú, chị không thể bán con mèo này cho chú được!
Chú khách ngơ ngác:
- Sao người ta bảo chị muốn bán con mèo lắm mà! Chị nói giá đi, đắt mấy em cũng mua! Em vốn rất quý mèo. Em không để nó đói đâu.
Tôi trả lời dứt khoát:
- Tôi đã xin lỗi chú rồi, tôi không bán là không bán, đắt bao nhiều tôi cũng không bán! Chú về đi!
Rồi tôi ôm chặt con mèo đi vào nhà, ngồi trước ban thờ chồng. Tôi và nó ôm nhau ngồi đó rất lâu. Con mèo nằm im tròng vòng tay tôi. Thắp ba nén hương cho anh, thầm hứa sẽ thay anh chăm sóc con mèo và sẽ gắn bó với nó như anh và tôi từng gắn bó.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin