Giữa lũng Pắc Rường trong thăm thẳm rừng già của Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng (huyện Võ Nhai), nơi bốn bề được bao bọc bởi núi đá dựng đứng có một đại gia đình hơn 10 người dân tộc Mông sinh sống. Muốn đến đó phải mất khoảng 3 giờ đồng hồ đi bộ theo lối mòn dốc ngược, lởm chởm đá tai mèo sắc nhọn.
Hơn 7 giờ sáng một ngày cuối tháng 5, tôi cùng 2 cán bộ kiểm lâm địa bàn và thầy giáo Hoàng Minh Phúc, giáo viên Trường Tiểu học Lũng Luông (xã Thượng Nung, Võ Nhai), nai nịt gọn gàng đi bộ men theo lối mòn thẳng tiến vào đại ngàn. Con dốc đầu tiên gần như dựng đứng, ai nấy thận trọng dò dẫm từng bước, tay bám chắc vào đá. Được một đoạn, nghỉ, 2 kiểm lâm viên cũng thở hắt ra. Xuống dốc rồi lại lên dốc, qua lũng Vàng, lũng Chuối, mặt trời đã gần đứng bóng mà trong rừng vẫn âm u, ẩm ướt. Có tiếng chó sủa vang, mọi người bảo nhau đã sắp đến nơi vậy mà cũng đi mất gần 1 tiếng nữa…
Hai bàn tay trắng và tấm ảnh Bác Hồ
Quang cảnh lũng Pắc Rường hiện ra trước mắt chúng tôi như vườn cổ tích. Giữa bốn bề núi đá, rừng già có những cây cổ thụ cả mấy người ôm không xuể, một nương ngô xanh mướt bao quanh căn nhà đơn sơ, làn khói bếp lan tỏa. Những đứa trẻ đang nô đùa quanh nhà thấy người lạ, ngơ ngác rồi lảng đi. Một người đàn ông còm nhom ra đón khách với nụ cười tươi khó lẫn. Ông là chủ hộ, tên La Văn De sinh năm 1955, người dân tộc Mông, đã dắt díu vợ con từ huyện Hòa An (tỉnh Cao Bằng) đến khai phá và sinh sống ở lũng này gần chục năm qua. Cuộc sống của họ gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, không điện, không sóng điện thoại, một tháng xuống chợ đôi ba lần, có khi cả năm không có khách đến nhà… Trước đó, tôi chỉ biết sơ sơ như thế về ông La Văn De và gia đình đặc biệt này.
Căn nhà của gia đình ông De thấp lè tè, người cao phải cúi xuống để bước lên sàn vì sợ va đầu vào mái. Nhà được dựng bằng những thân cây gỗ tạp loại nhỏ, mái phủ bạt dứa. Trong nhà, ngoài 2 “căn buồng” riêng cũng quây bằng bạt dứa, nổi bật là một bếp lửa luôn đỏ hồng và chiếc cối đá để xay ngô nấu mèn mén. Ông De nói tiếng phổ thông bằng giọng lơ lớ: Quanh lũng nhiều gỗ lớn lắm nhưng mình không lấy về làm nhà đâu, Nhà nước quản lý rồi, xã với kiểm lâm bảo thế mà. Dạo trước mình thấy người chặt gỗ, mình dọa báo chính quyền là họ chạy luôn đấy. Mình cũng không bẫy con thú trên rừng đâu!
Lý giải nguyên nhân chuyển cả gia đình từ Cao Bằng về lũng núi hiểm trở, heo hút bậc nhất huyện vùng cao Võ Nhai này định cư, ông La Văn De cố diễn đạt bằng tiếng phổ thông cho chúng tôi hiểu: Trên quê nhiều đất lắm nhưng nó xấu quá, trồng cây không lớn nữa. Nhà mình trên đấy còn bị cháy hết mà, chẳng còn gì ăn thì phải đi thôi…
Chuyện bị cháy nhà, ông De kể lại nhiều tình tiết ly kỳ. Đúng 10 năm trước ở Cao Bằng, căn nhà gỗ lợp lá rừng bị bén lửa từ bếp rồi bốc cháy ngùn ngụt như ngọn đuốc khổng lồ khi vợ chồng ông đi làm rẫy. Con lợn nuôi nhốt dưới gầm sàn bị chết cháy gần thành lợn quay. Một người hàng xóm tốt bụng liều mạng xông vào chỉ để cứu tấm ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh treo ở gian giữa nhà ông.
Bán hết ruộng nương được gần 3 triệu đồng, vợ chồng ông De cùng 8 đứa con, lớn nhất 20 tuổi, bé nhất chưa đầy 1 tuổi bắt xe khách xuống T.P Thái Nguyên hết hơn 1 triệu đồng. Rồi tiếp tục ngược lên Lũng Luông, nơi có khá nhiều người Mông đồng hương đã đến tái định cư từ trước. Gần như chỉ còn 2 bàn tay trắng, vợ chồng ông sắt đá một niềm tin về tương lai no ấm. Ông luôn giữ gìn tấm ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh như báu vật thiêng liêng và hiện vẫn treo tại gian giữa căn nhà đơn sơ ở lũng Pắc Rường.
Lúc mới đến Lũng Luông, vợ chồng ông De dựng tạm căn nhà nhỏ gần trung tâm xóm để ở, ngày luồn rừng tìm đất phát nương, đêm đến soi đèn pin đi bắt ốc hang về bán lấy tiền mua ngô, gạo nuôi con. Ông bảo: Ngoài xóm hết chỗ phát nương rồi, mình không có tiền mua nên phải vào đây thôi. Thấy chỗ này đất tốt, mình xin chính quyền cho phép mới làm. Lúc trước rậm rạp lắm, có hôm mình phát nương gặp con rắn hổ mang chúa to bằng bắp chân đang ấp trứng, nó đuổi mình chạy không dám ngoái đầu lại…
Bà Hoàng Thị Dinh và 2 cô con gái lớn mặc trang phục truyền thống để “nhờ nhà báo chụp một kiểu ảnh làm kỷ niệm chứ!”.
Lũng Pắc Rường giờ bốn mùa xanh tốt, hết ngô rồi đến khoai lang, đỗ tương, bí, sắn được trồng luân phiên như thế. Tuy vậy, mọi thứ gia đình làm ra chủ yếu tự cung tự cấp, ngô gác đầy sàn nhưng không bán được, nếu có tiền cũng không thể mua ngói về lợp nhà vì đường quá khó đi. Tấm bạt lợp nhà mong manh đã vài lần bị gió lốc thổi bay, rách tả tơi, cả nhà đành che ni lông ngủ tạm. Vợ ông De, bà Hoàng Thị Dinh cũng thật thà và nói tiếng phổ thông bằng giọng lơ lớ như chồng: Thỉnh thoảng mình chỉ gùi được 3 yến ngô xuống chợ bán lấy tiền thôi, mua muối, pin với ít thịt lợn là hết rồi.
“Cái khó bó cái khôn”, muốn thoát khỏi cảnh này, vợ chồng ông De đã nghĩ nhiều lắm nhưng chưa được. Muốn vay tiền mua con bò về nuôi, nhưng đường khó đến nỗi bò cũng không đi vào được. Ông ngậm ngùi: Mình không có tiền nên nhờ người dưới xã cấp lợn giống để nuôi, được thì chia đôi thịt ăn tết. Gần 80 con gà đẹp lắm mà tự nhiên chúng nó bị đạu bụng chết còn mỗi 4 con đấy, 3 tháng trước 2 coong chú (con chó - PV) cũng bệnh chết…
Phải “hạ sơn”
Về đến lũng núi này, vợ chồng ông La Văn De đẻ thêm 2 người con nữa là chẵn một chục. 2 con trai lớn đã lập gia đình và sinh sống gần nhà vợ ở nơi khác. Cô con gái tên La Thị Đơ sinh năm 1990 sau một thời gian dài đi làm thuê bị lạc, phiêu dạt mới trở về dẫn thêm 2 đứa cháu ngoại của ông. Vậy là đại gia đình hiện còn 12 người cả 3 thế hệ. Cuộc sống khó khăn nhưng tiếng cười luôn vang trong lũng núi. Nhấp thêm chén rượu men lá ngâm với cây rừng, ông De gật gù nói tiếp: Vợ chồng mình thương nhau lắm, không đánh chửi nhau bao giờ cả. Các con cũng ngoan, biết nghe lời bố mẹ mà, chúng cũng chịu khó làm nương đấy.
Chúng tôi vẫn cố nghe ông La Văn De diễn đạt bằng tiếng phổ thông: Mình lo cho các con lắm nên quyết định phải chuyển xuống núi ở thôi, xã cũng bảo thế. Ở đây xa quá, may nhờ trời cả nhà đều khỏe chứ ốm đau phải cấp cứu thì nguy. Mình tìm được chỗ đất ưng ý rồi, người ta cũng bảo bán đấy nhưng mình chưa có đồng tiền nào cả, thấy bảo Nhà nước hỗ trợ tiền nhưng chắc cũng phải vay thêm anh em. Sang năm phải chuyển xuống…
Cách đây gần 3 năm, trong 1 lần tác nghiệp tại Lũng Luông, tôi đã có ấn tượng đặc biệt với câu chuyện của các giáo viên tiểu học tại đây. Chẳng là khi năm học mới đã bắt đầu được 4 tuần, một người đàn ông người dân tộc Mông tên Le Văn De dẫn theo 7 đứa con đến xin nhập học cùng lúc. Nhà trường rất mừng nhưng cũng khó xử vì có cháu đã quá lớn để nhận vào lớp 1, mặt khác chuyện ăn ở, đi lại của các cháu không hề đơn giản. Sau khi quyết định nhận 6 cháu vào lớp 1 và mẫu giáo, Nhà trường khuyên ông De nên cho cháu La Văn Lợi (sinh năm 1996) học bổ túc văn hóa vì đã lớn tuổi. Để các con tiện theo học, vợ chồng ông De dựng một túp lều nhỏ gần Trường bằng cành cây, lá rừng, cheo leo trên lưng đồi lộng gió.
Nhắc đến chuyện học hành của các con, ông La Văn De bảo đời mình đã khổ quá rồi không muốn chúng khổ nữa nên phải học để tiến bộ. Hiện 5 người con bé nhất của vợ chồng ông vẫn đang theo học tại Trường Tiểu học Lũng Luông. Riêng cháu La Văn Sào 15 tuổi đã bỏ học vì ngại ngùng do.. lớn quá. Được chính quyền, Nhà trường và các đoàn thiện nguyện hỗ trợ, điều kiện ăn ở, học hành của các con ông đã khá hơn trước rất nhiều. Ông De rất vui vì điều đó.
Nghe chuyện và tìm hiểu thêm mới biết, người đàn ông dân tộc Mông ngoại lục tuần này đã có 8 năm phục vụ trong quân ngũ, “quần nhau với giặc” ở khắp chiến trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và cả trên nước bạn Căm Pu Chia thời kháng chiến chống Mỹ. Ông vinh dự được kết nạp Đảng trong Quân đội, 3 tháng bảo vệ Khu di tích Nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch ở Thủ đô Hà Nội, phục viên với quân hàm Trung úy và Giấy chứng nhận thương binh. Nhà cháy, mọi giấy tờ cũng cháy hết – nhắc lại mà ông cứ ngẩn người ra. Những năm tháng tại ngũ, ông đã được rất nhiều: được học chữ, được Đảng giáo dục, rèn luyện nên ý chí và niềm tin vững như đá. Ông bảo, mình vừa đi bầu cử về đấy, mình chưa bỏ cuộc bầu cử nào đâu!
Gần 3 giờ chiều, La Thị Đơ bưng ra một rổ sắn luộc: “Mời các anh ăng sáng!”. Thấy chúng tôi hỏi lại rồi nhìn nhau, lũ trẻ cười khúc khích. “Là bảo ăn sắn” – một đứa nói to. Ở một góc nhà, gần bếp lửa đang cháy, bà Hoàng Thị Dinh và mấy đứa nhỏ vẫn chụm đầu vào nói cười bằng tiếng Mông. Hóa ra, các con mới được nghỉ hè về nhà học bài và tranh thủ dạy mẹ tô chữ cái...
Tạm biệt Pắc Rường, chúng tôi ra về một đoạn khá xa mà vẫn nghe thấy tiếng cười đùa vang trong lũng núi. Hy vọng với niềm tin, nghị lực và sự lạc quan, đại gia đình này sẽ sớm thoát khỏi cảnh khó khăn. Họ không thể bị lãng quên ở nơi heo hút, họ cần thêm sự hỗ trợ và động viên!/