Lao động tự do và nỗi niềm cơm áo

09:56, 23/11/2021

Ai cũng có ít nhất một việc làm để sống. Nhưng với những người không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), họ luôn trong tình trạng không ổn định về công việc cũng như thu nhập. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 diễn tiến phức tạp, khi địa phương phát sinh ca F0, các dịch vụ không thiết yếu phải tạm ngừng hoạt động. Theo đó, nhiều lao động tự do phải nghỉ việc bất đắc dĩ.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Năm 2021, toàn tỉnh có 78 lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Gồm 70 trường hợp ở T.P Thái Nguyên và 8 trường hợp ở T.P Sông Công (với tổng số tiền hỗ trợ 117 triệu đồng).

Chị Trần Thị Thùy Giang, tổ dân phố Ao Voi, phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Tiệm spa của tôi mở tại nhà, nhưng phải tạm dừng hoạt động từ ngày 14 đến 28-5. Tôi được nhận 1,5 triệu đồng hỗ trợ của Chính phủ, dù không nhiều, nhưng đó là nguồn động viên, an ủi, giúp tôi vượt lên khó khăn, tạo thêm động lực tham gia cùng cộng đồng phòng, chống và chiến thắng dịch bệnh.

Cùng ở phường Đồng Bẩm, chị Trần Thị Nga, tổ dân phố Tân Hương phải nghỉ việc trong một thời gian khá dài, từ ngày 1-5 đến hết ngày 30-9. Trước khi nghỉ việc, chị làm thuê tại quán karaoke Núi Phấn, phường Chùa Hang (T.P Thái Nguyên). Khi đến UBND phường Đồng Bẩm nhận số tiền 1,5 triệu đồng hỗ trợ của Chính phủ, chị xúc động: Với số tiền này tôi có thể mua được 1 tạ gạo.

Trong khó khăn vì dịch, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường tổ chức các hoạt động hướng về cơ sở, thực hiện điều tra, xác minh, lập danh sách hỗ trợ người lao động tự do, với tinh thần khẩn trương vào cuộc, đồng thời bảo đảm nguyên tắc hỗ trợ đúng đối tượng, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách. Chính vì vậy, hầu hết các đối tượng cần được hỗ trợ đều có tên trong danh sách, được chính quyền địa phương xác nhận, ban hành quyết định hỗ trợ kịp thời, không xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo.

Quá trình thực hiện chi trả tiền hỗ trợ, các xã, phường chủ động lên kế hoạch chi tiết, phù hợp với tình hình “chung tay phòng, chống dịch”, như: Không tổ  chức tập trung đông người, lên lịch hẹn với từng người theo các giờ khác nhau qua zalo, điện thoại; nhắc nhở người lao động thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và hạn chế tiếp xúc gần.

Chị Lâm Thị Thuận, tổ 1, phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) cho biết: Từ ngày 3-5 đến ngày 31-8, tiệm làm tóc của tôi phải tạm dừng hoạt động. Hiện tôi đã nhận được tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng của Chính phủ dành cho lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

“Một miếng khi đói bằng cả gói khi no”. Anh Trần Văn Hà, ở tổ 7, phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Tôi sống bằng nghề tẩm quất, mát xa. Do phải ngừng việc từ ngày 2-5 đến ngày 9-9, nên số tiền hỗ trợ của Chính phủ đến tay kịp thời, góp phần giúp tôi ổn định cuộc sống trong thời gian chưa có việc làm mới…

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết thêm: Riêng phường Trung Thành có 43 trường hợp lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Họ là người không có giao kết hợp đồng lao động, chủ yếu làm các công việc như phụ hồ, chăm sóc sắc đẹp - spa, làm thuê cho quán karaoke, trò chơi điện tử, gội đầu, bán đồ ăn uống vỉa hè… Những người này không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh. Nhiều người trong số họ có cuộc sống không ổn định, khó khăn về kinh tế, nên số tiền hỗ trợ của Chính phủ đến tay kịp thời, góp phần giúp họ và gia đình vượt qua khó khăn hiện tại, ổn định cuộc sống và nâng cao ý thức tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Sáu, sinh kế bằng việc bán nước trên vỉa hè tại khu vực đường tròn Gang Thép Thái Nguyên, nói: Tôi phải tạm dừng công việc của mình từ ngày 1-5 đến ngày 25-7. Trong lúc không có thu nhập, tôi đã nhận được tiền hỗ trợ của Chính phủ để sống. Tôi chỉ biết nói lời cảm ơn Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm đến những người dân có hoàn cảnh khó khăn như tôi.

Còn anh Nguyễn Thế Ủy, xóm Tân Phong, xã Cao Ngạn bộc bạch: Tôi làm nghề thợ xây. Sau 15 ngày tạm ngừng việc vì dịch, tôi đã nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước để trang trải cuộc sống gia đình.

Đời sống của người lao động tự do còn chưa hết bấp bênh. Nỗi niềm cơm áo, lo toan còn hằn in trên khuôn mặt bao người. Và trong thời điểm dịch bệnh, sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các cấp, ngành chính là liều "tăng lực", giúp bao người vượt qua khó khăn.