Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã rất gần. Với người lao động (NLĐ), câu chuyện thời sự được quan tâm hàng đầu là tiền sắm Tết lấy ở đâu? Dù biết, tất cả mọi chi tiêu trong dịp này đều trông cậy vào lương tháng thứ 13; hoặc tiền do doanh nghiệp thưởng Tết.
Trong bối cảnh đại dịch COVID - 19 có nhiều diễn tiến phức tạp, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải giãn việc, ngừng việc nên ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu, mức thu nhập của NLĐ hằng tháng. Cũng vì thế NLĐ luôn có sự cảm thông, đồng cảm, chia sẻ với doanh nghiệp, không hy vọng về tiền lương "tháng thứ 13", nhưng tâm lý chung ai cũng mong được nhận tiền thưởng Tết Nguyên đán. Coi đó là nguồn động viên cho NLĐ trước một mùa Xuân tươi mới, để sắm sanh cùng mong ước an khang.
Cũng những ngày áp Tết bận rộn, song ai cũng có chút lắng lòng ngẫm lại một năm trôi qua, ghi nhận đã có nhiều doanh nghiệp chủ động thích nghi với tình hình đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm có đủ việc làm với cho NLĐ. Theo báo cáo về tiền lương của 234 doanh nghiệp với Sở Lao động, TB&XH năm 2021, hơn 125.200 NLĐ có việc làm ổn định, đạt mức lương bình quân gần 8,4 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, có sự chênh lệch lớn về mức lương giữa NLĐ và giữa từng nhóm ngành. Cụ thể nhóm công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có mức lương bình quân gần 8 triệu đồng/người/tháng; cao nhất 27 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất 4,7 triệu đồng/người/tháng. Nhóm công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước đạt mức lương trung bình hơn 11 triệu đồng/người/tháng; cao nhất 39 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất hơn 3,9 triệu đồng/người/tháng. Nhóm doanh nghiệp dân doanh có mức lương bình quân hơn 7,5 triệu đồng/người/tháng; cao nhất 150 triệu đồng/người/tháng. Nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gần 8,3 triệu đồng/người/tháng; cao nhất 262 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất hơn 4,3 triệu đồng/người/tháng. Lương tháng chệnh lệch bởi việc trả lương được căn cứ vào vị trí việc làm, về trình độ chuyên môn và năng lực của NLĐ.
Trong khối doanh nghiệp FDI, mức thưởng Tết Dương lịch cho người lao động cao nhất là 262 triệu đồng; thấp nhất 100.000 đồng. Đặc biệt, cả mức thưởng Tết Dương lịch và Tết Âm lịch hơn 200 triệu đồng cho người cao nhất đều thuộc một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có địa chỉ tại Khu công nghiệp Nam Phổ Yên.
Năm nay, những công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất đạt 5 triệu đồng/người và thấp nhất là 300.000 đồng/người. Mức thưởng Tết Âm lịch đối với khối doanh nghiệp này cho người cao nhất là 16 triệu đồng; người thấp nhất là 2,5 triệu đồng. Đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, mức thưởng Tết Dương lịch cho người cao nhất là 1 triệu đồng; người thấp nhất là 200.000 đồng; mức thưởng Tết Âm lịch cho người cao nhất là 30 triệu đồng; người thấp nhất là 500.000 đồng. Còn với doanh nghiệp tư nhân, mức thưởng Tết Dương lịch cho người cao nhất 25 triệu đồng; người thấp nhất 200.000 đồng; mức thưởng Tết Âm lịch cho người cao nhất là 150 triệu đồng; người thấp nhất 100.000 đồng.
Tiền thưởng, một số người có thể mua được xe ô tô, nhưng đa số NLĐ chỉ tạm đủ sắm Tết. Nhiều người vừa đủ mua 2 chiếc bánh chưng đặt lên ban thờ gia tiên. Nhưng dù ít hay nhiều, tiền thưởng ngoài ý nghĩa vật chất còn là dịp doanh nghiệp chia sẻ, động viên NLĐ gắn bó với công việc.