Nà Sọc là 1 trong 8 xóm đặc biệt khó khăn của xã Bình Long (Võ Nhai). Xóm có 106 hộ với 448 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Mông chiếm 98%. Trong những năm qua, đời sống, sinh hoạt, đi lại của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn, do xóm bị chia làm 2 miền bởi dòng sông Dong.
Đồng bào DTTS ở xóm Nà Sọc bao năm nay đã gắn bó với cây chè, cây lúa và đây cũng là những cây trồng đem lại nguồn thu nhập chính. Dòng sông Dong chảy qua xóm đã mang lại nguồn nước tưới dồi dào để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con, nhưng dòng sông cũng chia đôi xóm ra thành 2 miền (người dân thường gọi là miền Nà Đâm và miền Nà Sọc, mỗi miền có 53 hộ dân).
Mặc dù chỉ cách con sông có chiều rộng khoảng 50m nhưng vì chưa có cầu nên việc đi lại của người dân gặp không ít khó khăn. Thường ngày để đi lại giữa 2 miền người dân phải vượt quãng đường gần 8km, còn muốn đi gần hơn thì phải chờ nước cạn thì mới lội qua được.
Anh Tằng Văn Phước, một người dân trong xóm cho hay: Nhà tôi ở miền Nà Sọc nhưng có 6 sào ruộng ở Nà Đâm. Mặc dù ruộng chỉ cách nhà hơn 200m, nhưng mỗi khi đến mùa vụ hay chăm sóc lúa lại gặp không ít khó khăn do phải đi đường vòng. Vì thế cách đây gần 10 năm gia đình tôi đã bán đi để mua ruộng bên phía Nà Sọc cho thuận tiện canh tác.
Không chỉ có anh Phước mà nhiều hộ dân cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cùng với việc gặp khó khăn trong phát triển kinh tế, mọi sinh hoạt cộng đồng của bà con trong xóm cũng không ít trở ngại. Năm 2015, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong xóm đã đóng góp kinh phí, công sức để xây dựng Nhà văn hóa xóm khang trang tại miền Nà Đâm. Tuy nhiên, do đường sá đi lại khó khăn nên rất ít khi huy động được đại diện tất cả các hộ dân ra họp cùng lúc. Do đó nhằm tạo thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân, xóm đã mua thêm 100m2 đất để dựng cột, lợp mái fibro xi măng tạm lấy nơi hội họp cho người dân miền Nà Sọc.
Nhằm đỡ đi lại vất vả, người dân Nà Sọc phải tự dựng một ngôi nhà tạm để hội họp.
Ông Hoàng Văn Đạt, Trưởng xóm Nà Sọc chia sẻ: Hiện nay, việc họp xóm cũng như tuyên truyền truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân tại nhà văn hóa đều phải chia thành 2 buổi. Một buổi bên miền này và một buổi bên miền kia. Mặc dù điều này rất bất tiện nhưng xóm cũng không còn cách nào khác. Bà con trong xóm nhiều năm nay rất mong các cấp chính quyền địa phương sớm xây dựng cho một đập tràn để nối 2 miền lại với nhau. Qua đó sẽ giúp người dân đi lại thuận lợi, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con (đến cuối năm 2021 xét theo tiêu chí nghèo giai đoạn 2022-2025, xóm vẫn còn 25 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo).
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Long Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Bình Long cho biết: Tại cuộc hộp HĐND xã hay tại buổi tiếp xúc cử tri, người dân xóm Nà Sọc thường xuyên đề nghị các cấp hỗ trợ đầu tư xây dựng cầu. Theo ước tính của xã thì để xây dựng cây cầu nối 2 miền của xóm Nà Sọc với nhau thì phải cần khoảng 10 tỷ đồng. Xã không thể bố trí kinh phí xây cầu nên đề nghị các ngành chức năng của huyện, tỉnh sớm quan tâm xem xét, hỗ trợ đầu tư...